Mở đầu bài viết, Sohu nhận định: “10 đội đứng đầu bảng là Nhật Bản, Malaysia, Qatar, Saudi Arabia, Yemen, Việt Nam, Australia, Tajikistan, Iran và Uzbekistan thì có tới 2 đại diện Đông Nam Á. Ngoài ra, hai đội Đông Nam Á cùng đi tiếp với vị trí nhì bảng.
Có nghĩa là trong số 16 đội hàng đầu thì Đông Nam Á chiếm 4 vé, tỷ lệ 1/4. Rõ ràng, nó là minh chứng cho thấy sự vươn lên của nền bóng đá ở khu vực từng bị coi là vùng trũng này”.
Sohu không tỏ ra bất ngờ khi Việt Nam giành vé vào VCK, bởi các giải gần đây từ U20, U23 rồi cả ĐTQG, bóng đá Việt Nam vẫn luôn có vé tham dự các sự kiện lớn nhất khu vực. Nhưng nhật báo của Trung Quốc rất ấn tượng với đà thăng tiến của Lào.
“Ngoài hai nền bóng đá truyền thống mạnh nhất Đông Nam Á là Việt Nam và Thái Lan, bóng đá Malaysia và bóng đá Lào cũng đang có những bước tiến đáng kể”, Sohu viết.
“Điều đáng nói, Lào đã vào VCK các lứa tuổi trẻ châu Á ở 2 kỳ gần nhất. Malaysia nằm ở "bảng đấu tử thần", với các đối thủ khó nhằn là Indonesia, UAE, Palestine. Kết quả, Malaysia được 10 điểm, Indonesia có 9 điểm còn UAE chỉ bỏ túi 6 điểm. Thậm chí Malaysia đã đánh bại chủ nhà Indonesia tới 5-1.
Tuy bị loại nhưng có thể thấy, Indonesia cũng là một đội bóng mạnh của Đông Nam Á. Bởi họ chỉ kém Trung Quốc về chỉ số phụ. Trong khi đó, Lào nằm cùng bảng với Iran và Kyrgyzstan. Việc họ đè bẹp Kyrgyzstan để vượt qua vòng loại là điều khá bất ngờ. Nhưng nó cũng chứng tỏ bóng đá Lào đã sự tiến bộ vượt bậc”.
Cuối cùng, nhật báo uy tín của Trung Quốc khẳng định rằng với sự vươn lên mạnh mẽ của Đông Nam Á, bóng đá xứ tỷ dân nên dè chừng, đặc biệt là “2 kẻ mạnh nhất là Việt Nam và Malaysia”.