Báo Mỹ chỉ ra nguyên nhân thất bại của Lầu Năm Góc ở nước ngoài

TPO - Mỹ đã tiêu tốn hàng tỷ USD cho chương trình chống khủng bố hoặc huấn luyện quân đội nước ngoài. Tuy nhiên, phần lớn các dự án đều thất bại thảm hải, tiền của đều tiêu tốn vô ích. Tạp chí Military Times của Quân đội Mỹ đưa tin chi tiết.

Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Kiểm toán Mỹ đã tiến hành kiểm toán các hoạt động của mình trong việc hỗ trợ quân sự cho các nước thứ 3. Các quan chức quốc phòng và chính trị gia Mỹ đã thực sự ngạc nhiên với số tiền tiêu tốn lãng phí và mức độ thất bại mà Lầu Năm Góc đã phải gánh chịu.

Military Times viết rằng, từ năm 2006 tới năm 2015, có 262 dự án đã được triển khai, nhưng chỉ 1/3 số đó đi vào hiệu quả. Cuộc kiểm toán đã cho thấy tổng số tiền bị phung phí của nhiều chương trình. Từ năm 2016 tới 2017, có 20 chương trình đã được thực hiện, nhưng chỉ 8 trong số này là có thể cải thiện được các chỉ số cho các đơn vị quân đội nước ngoài. Sự trợ giúp được hướng tới một số lượng lớn các nước và cơ quan: Từ Jordan đến Philippines và Romania, thậm chí nhiều quốc gia châu Phi khác.

Chỉ từ năm 2016 tới 2017, Mỹ đã tiêu tốn 2 tỷ USD cho các dự án khác nhau tại các nước thứ ba. 83 triệu USD trong số đó dành cho huấn luyện binh lính ở  Cộng hoà Niger, nơi mà có 4 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng do các cuộc giao tranh của người Hồi giáo. 132 triệu USD hỗ trợ Kenya mua trực thăng và pháo, còn 83 triệu USD dành cho huấn luyện phi công và lực lượng biên phòng nước này. Các phương tiện tài chính trong năm 2016 và 2017 là khoảng 865 triệu USD để huấn luyện và trang bị cho binh lính của Jordan và Lebanon.

Tuy nhiên chưa nơi nào Mỹ đạt được thành công. Chánh thanh tra của Lầu Năm Góc cho biết, nguyên nhân những thất bại của Mỹ là việc tính toán sai lầm trong quá trình lập chương trình và chiến lược dành cho các quốc gia khác. Giới quân sự Mỹ đã không thể đưa ra các mục tiêu đúng đắn và hoàn thành kế hoạch đề ra. Ngoài ra, nguyên nhân còn do không có đủ nhân viên, các vấn đề liên quan tới sử dụng kỹ thuật quân sự hoặc thiếu các nguồn lực dành cho quản lý các chương trình.

Đôi khi tình huống trở nên hết sức vô lý. Ví dụ, năm 2013 việc thực hiện một trong các dự án đã bị trì hoãn do quân đội các nước thứ 3 không đủ trình độ để quản lý các hệ thống vũ khí hiện đại. Một số còn không thể thực hiện việc bảo trì vũ khí trang bị. Năm 2015, Mỹ đã mua mũ bảo hiểm dành cho quân đội của một nước thứ 3, nhưng kích cỡ của chúng lại không phù hợp. Và còn nhiều vấn đề vô lý khác.

Sau kiểm toán, Lầu Năm Góc đã thừa nhận các sai lầm của mình và cam kết khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, điều này không thể lấy lại được hàng tỷ USD đã bị lãng phí.

Theo Politexpert