Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: “Cải cách Bảo hiểm y tế lấy bệnh nhân là trọng tâm”

TP - Đấy là khẳng định của Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh khi nhìn lại 8 năm triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT). Với những kết quả đạt được trong triển khai BHYT toàn dân và chăm lo sức khoẻ nhân dân, ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương.

Hàng triệu học sinh, sinh viên cả nước được ngân sách nhà nước hỗ trợ phí tham gia BHYT. Ảnh: Toàn bộ học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Lào Cai được tham gia BHYT. Ảnh: Trung Hiền.

Chia sẻ gánh nặng chi phí chữa bệnh

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi những rủi ro về bệnh tật. Do đó, BHYT là chính sách an sinh xã hội quan trọng, góp phần chia sẻ gánh nặng chi phí với người bệnh và gia đình.

Sau 8 năm thực hiện Luật BHYT, tới nay cả nước đã có trên 76 triệu người tham gia BHYT, 6 tháng đầu năm 2017 đã có trên 75 triệu lượt người khám chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã xây dựng thành công dữ liệu hộ gia đình với đầy đủ thông tin của 24 triệu hộ, với trên 91 triệu người, là nền tảng hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT…

Theo bà Minh, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, thời gian qua BHXH Việt Nam và các cơ quan chức năng đã tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách BHYT. Đồng thời, từng bước nâng cao năng lực quản lý điều hành để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. “Ngành BHXH xác định, cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm và coi người bệnh là trung tâm của mọi cải cách. Đặc biệt, hệ thống thông tin giám định BHYT để kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Từ đó, tạo thuận lợi cho cơ sở y tế và người khám chữa bệnh BHYT được phục vụ kịp thời, góp phần phòng ngừa lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT”, bà Minh nói.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh.

Người đứng đầu BHXH Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, địa phương, tổ chức xã hội, doanh nghiệp. Đặc biệt, bà Minh mong sự chung tay của cộng đồng đóng góp, hỗ trợ kinh phí giúp người nghèo, hộ nông lâm ngư nghiệp, học sinh, sinh viên… còn khó khăn được chăm sóc sức khỏe BHYT, tránh được bẫy nghèo do ốm đau, bệnh tật, hướng tới mọi người đều được chăm lo sức khỏe.

“BHYT góp phần xây dựng xã hội công bằng”

Phát biểu mới đây tại Chương trình “BHYT toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương sự nỗ lực và những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách BHYT, đặc biệt là ngành BHXH. Qua đó, góp phần quan trọng hướng tới mục tiêu xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.

BHXH Thành phố Lào Cai tư vấn, giải thích chế độ BHYT cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Với người mắc bệnh hiểm nghèo, BHYT là “phao cứu sinh” giúp họ và gia đình giảm gánh nặng chi phí điều trị. Ảnh: Trung Hiền.

Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, và đã có nhiều giải pháp vì mục tiêu này. Trong các giải pháp chăm sóc sức khỏe nhân dân, BHYT được xem là trọng tâm nhằm giúp người dân khắc phục những rủi ro bệnh tật và giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh. Nhờ sự nỗ lực, phấn đấu của các ngành, các cấp, nhân dân, đặc biệt ngành BHXH, việc thực hiện chính sách BHYT đã đạt được những kết quả quan trọng. Như triển khai hiệu quả chính sách BHYT cho hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, hộ nông lâm ngư nghiệp… Nhờ đó, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh, từ 6,5% dân số năm 1993 lên trên 82% hiện nay.

Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, việc thực hiện chính sách BHYT vẫn còn những khó khăn, thách thức. Như tình trạng trốn, nợ đóng BHYT ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Đặc biệt, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT chưa được khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm, gây bức xúc dư luận…

Khám bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Lào Cai, toàn bộ chi phí đều do BHYT chi trả. Ảnh: Trung Hiền.

Để đạt mục tiêu tới năm 2020, trên 90% dân số tham gia BHYT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các cơ quan, đơn vị tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách BHYT; xây dựng cơ chế quản lý Quỹ BHYT hiệu quả và phòng chống lạm dụng, trục lợi Quỹ. Đồng thời, tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý nghiêm đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHYT, các tập thể, cá nhân lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT. Đẩy mạnh tuyên truyền, cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở; khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý mua sắm, sử dụng thuốc và vật tư y tế theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, công khai minh bạch…

“Giúp người dân tham gia BHYT là giải pháp quan trọng góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, phồn vinh và hạnh phúc. Tôi tin tưởng toàn ngành BHXH sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Cùng với những nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng luôn chung tay, góp sức đồng hành cùng người dân vùng khó khăn, ảnh hưởng bởi thiên tai. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, cán bộ công nhân viên toàn ngành bảo hiểm xã hội đã quyên góp ủng hộ hơn 3 tỷ đồng chia sẻ với người nghèo, nhân dân vùng thiên tai. Cụ thể, dịp kỷ niệm Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam (1/7/2017), cán bộ công nhân viên Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã quyên góp hơn 1,5 tỷ đồng ủng hộ người cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế; quyên góp hơn 1,5 tỷ đồng ủng hộ nhân dân vùng lũ Tây Bắc và các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 10…