Vì nhiều nguyên nhân khác nhau như lịch thi đấu trùng lặp với giải VĐQG, chính sách Zero COVID khắt khe trong nước mà các CLB Trung Quốc, đội bỏ giải, đội thì chỉ có thể cử lứa trẻ đi tranh tài. Lúc này, Shandong Taisan và Guangzhou đang trở thành “rổ đựng bóng” cho các đối thủ trong bảng.
Sau 2 lượt trận đầu AFC Champions League 2022, Guangzhou thua Johor 0-5, thua Kawasaki Frontale 0-8, Shandong Taishan thảm bại 0-7 trước Daegu FC và 0-5 trước Urawa Red. Tổng cộng 2 mùa giải qua, các CLB Trung Quốc hoà 1, thua tới 16 trận và nhận tổng cộng 66 bàn thua (trung bình hơn 4 bàn/trận.
Tất cả khiến họ nhận về những sự ê chề. “Đây không còn có thể gọi là một thất bại, đúng hơn nên gọi đó là sự xấu hổ, nhục nhã”, Sports Trend nhấn mạnh. “Bóng đá Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ. Các đội bóng thi đấu ở giải VĐQG của họ chủ yếu thuộc sở hữu của các công ty bất động sản đang gặp khó khăn trong kinh doanh.
Vì vậy, họ đã không có được “bầu sữa” dồi dào để hoạt động như xưa. Việc nhà vô địch Jiangsu Suning bị giải thể năm ngoái đã khiến giới mộ điệu lo lắng. Lúc này, hầu hết các đội bóng còn lại đang phải gồng mình chống đỡ và họ thậm chí không thể trả lương cho cầu thủ.
Có vẻ như tình hình sẽ chẳng thể được cải thiện ở lượt trận tiếp theo. Hiện cuộc khủng hoảng tài chính của các CLB thuộc Super League Trung Quốc khiến người ta lo ngại tình hình sẽ ngày càng nghiêm trọng. Bởi vậy, họ nên giải quyết các vấn đề nội tại trước khi tính đến chuyện dự AFC Champions League".
Đồng quan điểm này có Uri Levy, cây viết thể thao từng cộng tác với BBC, Daily Mail... Levy là người đã theo dõi bóng đá châu Á lâu năm và ông vừa lên tiếng: "AFC nên tách tất cả các CLB Trung Quốc ra khỏi AFC Champions League. Nhiều trận thua đậm trước các đối thủ đã để lại khoảng cách mênh mông giữa bóng đá Trung Quốc và phần còn lại.
Đó là một thảm họa cho bóng đá châu Á. Nó không tốt để giúp nâng cao nền bóng đá của châu lục. Những trận thua đậm của các câu lạc bộ Trung Quốc có thể sẽ gây ra hậu quả khôn lường".