Hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang
Dự án Đền Lừ II (quận Hoàng Mai) gồm 3 khối nhà TĐC được xây dựng và hoàn thiện từ cuối năm 2017 với hàng trăm căn hộ. Thế nhưng, 3 tòa nhà này vẫn để hoang, nhiều hạng mục đã xuống cấp.
Chị Trần Thị Huyền (quận Hoàng Mai) cho biết, hằng ngày đi qua khu vực này thấy mấy tòa nhà bỏ hoang rất lãng phí, nhất là khi gia đình chị vẫn đang phải thuê trọ. “Tôi đã từng nộp hồ sơ mua nhà xã hội 2 lần nhưng đều không được mua. Trong khi đó, nếu mua căn hộ thương mại hoặc nhà đất thì tài chính không cho phép. Giá như Nhà nước chuyển đổi số nhà TĐC bỏ hoang này thành nhà ở xã hội để bán hoặc cho thuê thì tốt quá”, chị chia sẻ.
Tương tự, khu nhà giãn dân phố cổ tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên) cũng bị bỏ hoang hơn 1 thập kỷ, không có người ở. Hoặc 3 tòa nhà tái định cư N3- N4 - N5 tại Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) với 150 căn hộ đã hoàn thiện từ nhiều năm qua nhưng hiện vẫn đang bỏ hoang.
Thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) cho thấy, tại Hà Nội và TPHCM có khoảng 18.000 căn hộ TĐC đang bị bỏ hoang. Trong đó, riêng Hà Nội có khoảng 4.000 căn. Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, nguyên nhân các dự án nhà TĐC chưa có người ở là các hộ dân được đền bù di dời còn khiếu nại. Trong khi đó, không ít công trình nhà TĐC chưa hoàn thiện, còn dở dang do thiếu kinh phí.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Hà Nội đang xảy ra nghịch lý rất lớn là nơi thì bỏ hoang, nơi lại thiếu nhà. Bên cạnh các khu nhà bỏ hoang nêu trên, địa bàn Hà Nội, quỹ nhà TĐC đang rất thiếu. Ngay trên địa bàn quận Ba Đình cần hơn 1.500 căn nhà TĐC cho dự án Vành đai 1, (đoạn Voi Phục - Hoàng Cầu). Dù nhiều lần Sở Xây dựng Hà Nội giới thiệu, bố trí nhà TĐC nhưng đến nay vẫn thiếu khoảng 300 căn.
Trước tình trạng nhiều khu nhà TĐC bỏ hoang, tại cuộc họp bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội được tổ chức ngày 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng nhà ở tại các khu TĐC chưa sử dụng sang nhà ở xã hội.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành kế hoạch về việc tổ chức hội nghị Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nhà ở xã hội, bến bãi đỗ xe, trên địa bàn thành phố năm 2024. Hội nghị sẽ được tổ chức trong tháng 11 tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội với 150-200 đại biểu tham dự gồm đại diện một số bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND thành phố và các sở, ban, ngành của thành phố, đại diện lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, đại diện một số ngân hàng, quỹ đầu tư tại Hà Nội, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp, Tổng Cty Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực nhà ở, bến bãi đỗ xe, môi trường tại Hà Nội, đại diện 20-30 doanh nghiệp đầu tư hoạt động trong lĩnh vực nhà ở, bến bãi đỗ xe, môi trường trên địa bàn thành phố.
Tháo gỡ hành lang pháp lý
Theo các chuyên gia, chuyển đổi nhà TĐC bỏ hoang thành nhà ở xã hội là chủ trương đúng, nhưng phải tháo gỡ 2 khó khăn. Đó là mặt pháp lý và chất lượng dự án.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Kiên, Giảng viên ĐH Kiến Trúc Hà Nội cho rằng, đa phần các căn hộ TĐC được thiết kế cách đây hơn 10 năm, cơ bản đã lỗi thời so với cách tổ chức cuộc sống của các hộ gia đình hiện nay. Do đó, việc nghiên cứu nâng cấp các căn hộ này theo chuẩn tiện nghi mới sẽ gặp nhiều trở ngại, bởi quy mô công trình lớn, phức tạp.
Luật sư Nguyễn Thị Vinh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, nhà TĐC và nhà ở xã hội là những sản phẩm khác nhau. Hiện nay, hành lang pháp lý để thực hiện chuyển đổi được chỉ được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 124 Luật Nhà ở 2023. Tuy nhiên, hiện điều luật này còn mang tính nguyên tắc, chưa có hướng dẫn chi tiết.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, ĐBQH khóa XIV cũng tán thành việc chuyển nhà TĐC bỏ hoang thành nhà ở xã hội. Tuy nhiên, phải gỡ vướng khó khăn về cơ chế, chính sách liên quan tới những luật, quy định hiện nay.
Theo luật sư Nguyễn Văn Chiến, điểm a, khoản 1 Điều 124 Luật Nhà ở 2023 quy định chuyển đổi công năng từ nhà ở phục vụ TĐC sang nhà ở xã hội. Đây là cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền xem xét chuẩn bị và thực hiện từ ngày luật có hiệu lực.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi công năng này vẫn còn một số vướng mắc. Trong đó, tiêu chuẩn diện tích sử dụng mỗi căn nhà ở xã hội tối thiểu là 25m2 và tối đa là 70m2. Trong khi đó, mục tiêu TĐC cho người dân, nhất là với các hộ gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh sống nên nhà TĐC không giới hạn diện tích nhà ở.
Hơn nữa, việc phát triển hai loại hình nhà ở khác nhau và là hai đối tượng khác nhau. Vì thế, quy trình phát triển các dự án này có sự khác biệt trong thực hiện thủ tục pháp lý, như bố trí quỹ đất, kế hoạch phát triển nhà ở, lựa chọn chủ đầu tư… Do đó, khi đặt ra vấn đề chuyển đổi công năng từ nhà ở TĐC sang nhà ở xã hội thì phải có cơ chế tháo gỡ thủ tục chuyển đổi rất phức tạp này.