Ngày 23/3, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị gặp gỡ đại diện bà con nông dân, các nhà khoa học, quản lý… Thông qua hội nghị, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mong muốn nắm bắt được khó khăn, vướng mắc, tâm tư nguyện vọng của nông dân nhằm có những giải pháp phù hợp để hỗ trợ nông dân; tổ chức sản xuất phù hợp với xu thế tiêu dùng, nhu cầu của thị trường.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, các nông dân nêu nhiều khó khăn, tồn tại hiện đang gặp phải trong sản xuất nông nghiệp suốt thời gian dài, nhưng khó khăn chưa được tháo gỡ. Cụ thể: phân bón, giá thức ăn chăn nuôi luôn tăng; sản xuất thiếu điện - nước, thiếu liên kết tiêu thụ sản phẩm... dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, thua lỗ, nông dân chưa an tâm sản xuất.
Đại diện cho nhiều nông dân sản xuất lúa ở xã Long Phước huyện Long Thành, ông Nguyễn Văn Nữ phản ánh, số nông dân còn gắn bó với đồng lúa ở địa phương hiện nay không còn nhiều, tuy nhiên sản xuất luôn gặp khó khăn vì giá phân bón tăng quá cao.
Ông Nữ dẫn chứng, năm 2022 vụ lúa đầu tiên 1 bao phân đang có giá trên 300.000 đồng, tuy nhiên đến vụ lúa thứ 2 thì giá phân bón đã tăng lên trên 1 triệu đồng/bao. Ngoài phân bón thì sản xuất còn phụ thuộc vào xăng dầu, điện… nên giá thành sản xuất đội lên trong khi giá lúa bán ra không tăng, nông dân vẫn là thua thiệt. Theo ông Nữ, nhà nước cần có phương án hỗ trợ nông dân để có đầu ra tiêu thụ sản phẩm và giá thành ổn định hơn.
Thành công với mô hình nuôi gà thảo mộc, sản phẩm đã có thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm không đủ cung ứng cho thị trường nhưng bà Cao Thị Ten - chủ trại gà thảo mộc Cao Ten tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai - vẫn nêu lên khó khăn, đó là giá nguyên liệu thức ăn liên tục tăng cao dẫn đến giá thành sản phẩm phải thường xuyên thay đổi. Bà Ten mong rằng cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách ổn định thị trường và có nguồn vốn hỗ trợ tốt nhất cho cho người chăn nuôi.
Nhiều nông dân kiến nghị các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có biện pháp xử lý đối với các cơ sở kinh doanh phân bón, giống cây trồng kém chất lượng. Bên cạnh đó, nông dân cũng mong muốn ngành chức năng triển khai tập huấn sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao nhiều hơn để giúp nông dân cải tiến sản xuất.
Kết luận buổi đối thoại, ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - đề nghị các sở ngành, đơn vị phối hợp để phát triển nông nghiệp địa phương. Trong đó, Sở NN&PTNT chú trọng đến tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất tập trung và phát triển chuỗi giá trị, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh thực hiện nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua Chương trình OCOP.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cần triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các dự án sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chế biến sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu. Ông Phi cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ tín dụng,… triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, lời giải cho những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là cần xây dựng chuỗi liên kết hiệu quả để đầu vào có chi phí thấp nhất, đầu ra quy mô lớn, giá trị cao, bền vững.