Vào ngày 25/10, Tổng thống Steinmeier đã có chuyến thăm đầu tiên tới Ukraine kể từ khi Nga khai màn chiến dịch quân sự ở nước này.
Trong khi trò chuyện với các phóng viên ở thị trấn phía Bắc Koryukovka gần biên giới Nga, còi báo động không kích bất ngờ vang lên và Tổng thống Steinmeier được hộ tống tới hầm trú bom nằm dưới tầng hầm của một tòa nhà công cộng gần đó. Ông Steinmeier cuối cùng đã phải dành hơn một tiếng trong hầm trú ẩn với một nhóm quan chức và những người khác.
Sau vụ việc, Anton Gerashchenko - cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, cho biết đây là “một ví dụ minh họa rất thiết thực cho việc vì sao Ukraine cần thêm hệ thống phòng không” càng sớm càng tốt, đề cập đến việc Berlin cam kết chuyển giao một số hệ thống Iris-T cho Kiev.
Tuy nhiên, Thomas Fischer - một luật sư biện hộ hình sự và học giả pháp lý người Đức trong bài viết trên tờ Der Spiegel lại cho rằng một số chi tiết về vụ việc này dường như thiếu hợp lý.
Ông lưu ý rằng Tổng thống Steinmeier đã có kế hoạch thăm Ukraine vào ngày 20/10, nhưng chuyến thăm bị hủy bỏ vào phút chót vì “lý do an ninh” trong bối cảnh Nga liên tục pháo kích. Năm ngày sau đó, ông Steinmeier lên đường đến Ukraine. “Tình hình an ninh có thể thay đổi chỉ trong vài ngày không?”, Fischer đặt câu hỏi.
Một chi tiết khác được Fischer lưu ý là việc ông Steinmeier nói chuyện với phóng viên rất gần một tòa nhà có boongke ngầm đầy đủ tiện nghi, nơi những chiếc ghế được sắp xếp thành một vòng tròn, dường như để cho phép đội quay phim ghi lại cảnh các quan chức ngồi cùng dân thường.
Fischer cũng đặt câu hỏi vì sao không có báo cáo nào từ các cơ quan truyền thông Ukraine, Đức hoặc các nguồn chính thức về cuộc không kích được cho là khiến Tổng thống Steinmeier phải trú trong boongke, và vì sao không có thông tin về bất kỳ tên lửa nào của Nga bắn trúng mục tiêu trong thành phố.
Fischer chỉ ra rằng chính phủ Đức có thể dễ dàng đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi trên, đồng thời nhấn mạnh việc cần thiết phải giải thích sự cố này. Nếu đây thực sự là một vụ dàn dựng, thì Berlin sẽ “cực kỳ xấu hổ” vì Tổng thống Đức đã bị lôi kéo vào “một bộ phim tuyên truyền”.
Fischer là một cây bút nổi tiếng ở Đức, và bài bình luận hàng năm của ông về bộ luật hình sự được coi là “kinh thánh của Luật Hình sự Đức”, theo European Press Prize.