Báo động thai phụ nhiễm HIV nhưng giấu bác sĩ

Bên cạnh những trường hợp cấp cứu sản khoa hoặc em bé chào đời đột ngột thì nhiều trường hợp, thai phụ nhiễm HIV cố tình che giấu bác sĩ (BS) đến tận giờ sinh.
Ảnh minh hoạ: Internet

Khuya 13/6/2015, BV Phụ sản Mekong TP.HCM tiếp nhận một thai phụ khai tên Nguyễn Thị A. 32 tuổi đến sinh vì đã bước vào giai đoạn chuyển dạ. Thai phụ không mang bất cứ giấy tờ gì và đi cùng một người xưng là hàng xóm. Nhìn bề ngoài xanh xao, có dấu hiệu thâm tím của người nhiễm HIV, các BS nghi ngờ nhưng sản phụ A. khai không mắc bệnh và cần phải đẻ ngay. Sau khi chị A. hạ sinh bé trai, ê-kíp hỗ trợ sinh mới nhận được kết quả A. dương tính với HIV. Lúc này, chồng chị A. mới thú nhận tên thật của vợ mình là Trần N.T. và mới 26 tuổi. Các BS đã đưa sản phụ đi lĩnh thuốc để phòng ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Cách đây ba tháng, BV này cũng gặp trường hợp một thai phụ nhiễm HIV nhưng chưa từng đi khám thai và đột ngột vào BV sinh con. Sinh xong, cầm kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, bệnh nhân mới thừa nhận đã mắc HIV hơn hai năm. ThS-BS Lê Văn Hiền, Phó giám đốc chuyên môn BV Phụ sản Mekong TP.HCM cho biết: Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai là 0,4%. Với số trẻ sinh ra hàng năm 1,5 - 2 triệu, mỗi năm có khoảng 6.000 trẻ có nguy cơ phơi nhiễm HIV. Trong sáu tháng đầu năm 2015, BV Phụ sản Mekong có bốn trường hợp phát hiện HIV dương tính trong lúc mang thai. Tuy nhiên vì là đơn vị tư nhân nên BV không có chức năng làm xét nghiệm bệnh nhân nhiễm HIV; do đó gặp những trường hợp này, BV Phụ sản Mekong chuyển sang BV Từ Dũ.

BV Từ Dũ từng có một số BS bị phơi nhiễm trong lúc cấp cứu cho SP mắc HIV. TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương (nguyên Phó giám đốc BV Từ Dũ) cho biết việc BS sản phụ khoa đối diện với nguy cơ nhiễm HIV là thường xuyên. Cách đây không lâu, một ê-kíp trực ở khoa Cấp cứu tiếp nhận một thai phụ trong tình trạng nhau bong non. Trước tình huống này, các BS đã lao vào cứu sinh mạng thai phụ và bé gái chưa chào đời. Sau khi hai mẹ con sản phụ qua cơn nguy hiểm, các BS nhận được kết quả sản phụ nhiễm HIV. Ngay lập tức, ê-kíp kiểm tra lại xem có ai bị kim đâm, trầy xước ở tay hay máu văng vào mắt. Kết quả, một BS trong lúc may tầng sinh môn cho sản phụ đã bị kim đâm. Vị BS này đã nhanh chóng uống thuốc chống phơi nhiễm trong vòng 36 giờ.

Theo BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, việc xét nghiệm, tầm soát thai phụ bị nhiễm HIV là công việc nằm trong quy trình của BV. Tuy nhiên, với những trường hợp thai phụ đã đến giờ sinh, em bé gần ra ngoài hoặc những ca cấp cứu, BS phải lo làm nhiệm vụ, không thể chờ kết quả xét nghiệm HIV. Mặt khác, sản là lĩnh vực có nguy cơ phơi nhiễm HIV cao nhất trong ngành y vì phải may tầng sinh môn, mổ, tiếp xúc liên tục với máu, nước ối, dịch tiết… Do đó, trong quy trình hỗ trợ sinh sản, ngành y tế đã có hướng dẫn, quy định các phòng mổ, phòng sinh phải trang bị đầy đủ dụng cụ y khoa, áo quần, kính mắt bảo hộ, găng tay.

BS Hoàng Thị Diễm Tuyết cho rằng, điều quan trọng là sự tuân thủ quy định của đội ngũ y BS. Vẫn có một số BS “lười” mang găng tay dù chỉ mất một-hai phút. Ngay cả người bệnh không nhiễm HIV, BS cũng phải tự bảo vệ mình vì có những trường hợp sản phụ mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh lây truyền qua đường tình dục như viêm gan siêu vi, giang mai… Thậm chí, không đeo găng tay, BS có thể lây bệnh ngược lại cho bệnh nhân.

Theo BS Lê Văn Hiền, tại Việt Nam, mỗi năm có 6.000 trẻ sinh ra có nguy cơ phơi nhiễm với HIV. Nếu trẻ không được phòng ngừa thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 25% - 40%. Nếu điều trị đầy đủ từ khi mang thai đến lúc sinh, sau sinh, tỷ lệ này chỉ còn 2%.

Theo Theo PNO