> 'Khó hướng tới một xã hội không có khiêu dâm, mại dâm'
> 9X bị bạn chát lừa bán sang Trung Quốc
TS Đặng Hoa Nam cho biết, thông tin khiêu dâm, bạo lực độc hại đang tràn lan trên mạng đang ở mức báo động. Thông qua internet, việc xâm hại tình dục trẻ em, mua bán người diễn biến khó lường với những chiêu thức mới.
Khó kiểm soát
Ông bình luận gì khi trẻ em Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ mạng?
Có thể nói, các biện pháp chúng ta đang triển khai hiện nay như khung hình phạt, chế tài xử lý không theo kịp thực tế phát triển của mạng thông tin. Mỗi khi trẻ em dễ dàng chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng với đầy đủ tên tuổi, số điện thoại... rủi ro càng nhiều và rất khó kiểm soát.
Vậy thực trạng đang diễn biến thế nào, thưa ông?
Từ thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, công nghệ thông tin bắt đầu phát triển và ra đời truyền thông không biên giới. Lĩnh vực đột phá đầu tiên trong truyền thông không biên giới đó chính là truyền hình vệ tinh. Từ năm 1994, các nước trên thế giới đã ra Tuyên bố chung về Truyền hình và trẻ em. Từ thời điểm đó, người ta đã đưa ra nhiều cảnh báo về tính hai mặt của truyền thông đại chúng đối với trẻ em.
Hiện, thế giới mạng đã xuất hiện. Chỉ cần một chiếc điện thoại smartphone là trẻ em có cả một thế giới thông tin trong tay vì điện thoại có thể tích hợp cả internet, truyền hình. Chính vì thế, rủi ro từ mạng tác động tới trẻ em đã vượt lên mặt tích cực. Chẳng hạn, tại Việt Nam, thống kê của Google cho thấy, tỷ lệ trẻ em truy cập tìm kiếm các trang sex là rất lớn.
Tình trạng bắt nạt trẻ em trên mạng đang có chiều hướng gia tăng như: Tin nhắn - thư đe dọa, phát tán các clip, đoạn băng về đánh hội đồng, quan hệ tình dục... Nguy cơ nữa là từ các thông tin cá nhân của trẻ em, sẽ tạo ra cơ hội cho bọn xâm hại tình dục, bọn buôn người săn mồi.
TS Đặng Hoa Nam
Đã có điều tra nào về tác hại của mạng đối với trẻ em chưa?
Đã có một số điều tra nhưng rất nhỏ lẻ, chưa có điều tra nào mang tính toàn diện, tổng thể. Gần đây, có nghiên cứu rất hay của Unicef với sự hỗ trợ của Yahoo Việt Nam với tựa đề “Thanh niên Việt Nam trên mạng”. Đây là một nghiên cứu đề cập tính hai mặt của mạng và nhấn mạnh đến tính rủi ro.
Họ đã chỉ ra nhiều rủi ro như thông qua làm quen trên mạng, trẻ em sẵn sàng chia sẻ các thông tin cá nhân (điện thoại, tên tuổi, địa chỉ, trường học...) nhưng lại không có kỹ năng tự bảo vệ mình.
Khi số điện thoại, hình ảnh, clip... của trẻ em được tung lên dẫn đến nhiều hệ luỵ. Đó là tình trạng bắt nạt trẻ em trên mạng đang có chiều hướng gia tăng như: Tin nhắn - thư đe dọa, phát tán các clip, đoạn băng về đánh hội đồng, quan hệ tình dục... Nguy cơ lớn nữa là từ các thông tin cá nhân của trẻ em, sẽ tạo ra cơ hội cho bọn xâm hại tình dục, bọn buôn người sử dụng để săn mồi là trẻ em.
Nghiên cứu cũng cho thấy, các yếu tố bạo lực và khiêu dâm thông qua mạng rất khó khống chế, quản lý. Các quán cà phê internet, game online cho thấy hại nhiều hơn lợi. Vì chứng nghiện mạng mà có nhiều trẻ thức đến 2 giờ sáng đợi bố mẹ đi ngủ lại trèo qua tường để tìm đến các quán internet. Thực tế, nhiều trẻ em từ chỗ nghiện game online đã dẫn đến chứng nghiện mạng.
Tạo “vắc xin” cho trẻ
Để phòng chống tác hại của mạng, theo ông chúng ta nên làm gì?
Các giải pháp hiện nay đều chỉ mang tính chất tình thế mà không phải là biện pháp lâu dài, bền vững. Có một thực tế là hiện đang rất thiếu các điều tra để hiểu rõ hành vi sử dụng mạng của trẻ em. Về lâu dài, cần tạo ra các sản phẩm mạng và truyền thông hấp dẫn, lành mạnh để kéo trẻ em trở lại, bỏ thói quen vào các trang web đen và sử dụng các sản phẩm khiêu dâm trên mạng.
Nhà nước thông qua hệ thống báo chí, truyền hình để nâng cao nhận thức, với mục đích cảnh báo rộng rãi trong xã hội về các nguy cơ tiềm ẩn của mạng đối với trẻ em. Cần giáo dục cho trẻ em kỹ năng sử dụng mạng thông minh. Phải hình thành các sân chơi giáo dục, các diễn đàn... nhằm cung cấp “vắc xin” cho trẻ em biết cách lựa chọn thông tin trên mạng.
Philippines đang có sáng kiến thành lập một diễn đàn trong các nước ASEAN để chia sẻ kinh nghiệm về hướng tới một khu vực Đông Nam Á không có văn hoá phẩm đồi trụy và mại dâm trên mạng. Dự kiến, từ 23-25/4 tới, các nước sẽ nhóm họp tại Philippines để bàn về vấn đề này.
Được biết, hiện nay một số nước đã dùng chính mạng để bảo vệ trẻ em?
Đúng là một số nước đã áp dụng biện pháp “lấy độc trị độc”. Dùng chính mạng để bảo vệ xâm hại trẻ em. Chẳng hạn tại Anh, người ta đã dùng chính các trang mạng trực tuyến để làm công cụ bảo vệ trẻ em. Thông qua các trang mạng này, trẻ em có thể cung cấp thông tin, hành vi cũng như địa chỉ của kẻ có dấu hiệu gạ gẫm xâm hại tình dục, buôn người cho cảnh sát. Từ đó, cảnh sát nắm được thông tin và tiến hành truy bắt.
Tại Việt Nam cần nghiên cứu biện pháp này để sớm triển khai vì sự phát triển của mạng rất nhanh chóng và khó kiểm soát. Cùng với đó, Bộ Y tế cần sớm có phác đồ điều trị chứng nghiện mạng để giúp trẻ em trở lại bình thường.
Cảm ơn ông!