Báo cáo PCI: Chất lượng lao động Việt Nam rất thấp, không cải thiện

TPO - Có tới 55% doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) cho biết “tương đối khó” và 19% đánh giá là “khó” để tuyển được các cán bộ kỹ thuật có tay nghề. Trong khi đó, chi phí bỏ ra đào tạo lại lao động ngày càng tăng khiến DN nản lòng trước thực trạng lực lượng lao động của Việt Nam.  
Chất lượng lao động của Việt Nam rất thấp. ảnh minh hoạ

Đó là phản ánh của DN FDI về nguồn lao động của Việt Nam trong Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2017.

Khó tuyển  lao động có kỹ năng

Theo đánh giá của DN FDI, trình độ và kỹ năng của người lao động Việt Nam có xuất phát điểm chất lượng rất thấp và chưa có nhiều cải thiện trong những năm gần đây. Điều này thể hiện rõ nét hơn khi doanh nghiệp FDI cho biết gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động cho các vị trí cán bộ kỹ thuật, quản lý.

Theo một khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) năm 2015, 80% DN trả lời cho biết có nhu cầu tuyển cán bộ kỹ thuật và 89% cho biết mong muốn tuyển dụng được cán bộ kỹ thuật trong tương lai.

Ba năm sau, vào năm 2017, điều tra PCI với các DN FDI cũng chỉ ra rằng nhân sự kỹ sư giỏi vẫn rất khan hiếm, với 55% doanh nghiệp cho biết “tương đối khó” và 19% đánh giá là “khó” để tuyển được lao động loại này.

Đối với nhóm lao động giám đốc điều hành/giám đốc tài chính, 36% doanh nghiệp FDI được hỏi cho biết “khó” và 28% cho rằng “rất khó” tuyển dụng.

Chỉ có 31% doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu của họ. Phần lớn (64%) doanh nghiệp FDI cho biết chất lượng lao động mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng của họ.

Các doanh nghiệp FDI cũng ít hài lòng hơn với chất lượng dịch vụ lao động tại địa phương cung cấp. Giống như chất lượng đào tạo nghề, các dịch vụ khác bao gồm giáo dục phổ thông, giới thiệu việc làm hoặc tuyển dụng lao động và giải quyết tranh chấp lao động cũng có xu hướng chưa đạt.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng ít hài lòng về chất lượng đào tạo nghề tại các địa phương và cho biết họ phải chi nhiều hơn cho việc đào tạo lại lao động mới tuyển vào.

Đa số DN phải đào tạo lại lao động

Theo báo cáo năm PCI năm 2014, khi các doanh nghiệp FDI ít hài lòng về chất lượng đào tạo nghề của địa phương, họ phải chi nhiều hơn cho đào tạo lại lao động tuyển vào. Năm 2014 chứng kiến sự sụt giảm đột ngột trong đánh giá của doanh nghiệp FDI về chất lượng đào tạo nghề tại địa phương và sự gia tăng đột biến trong chi phí đào tạo nội bộ của họ..

Chi phí cho đào tạo lại lao động của các doanh nghiệp FDI hiện đã tăng lên rất nhiều kể từ năm 2014. hi phí trung bình cho hoạt động này chỉ chiếm 3,6% chi phí kinh doanh vào năm 2013, nhưng sau đó đã tăng vọt lên 5,9% trong năm 2014 và ở mức 5,7% vào năm 2017.

Việc tăng chi phí đào tạo này có thể là do sự dịch chuyển của doanh nghiệp sang hướng sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, đòi hỏi người lao động cần phải được đào tạo chuyên sâu hơn. Tuy nhiên, các chỉ số khác về chất lượng lao động cho thấy rằng sự thay đổi này phần nào phản ánh đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài đối với trình độ tay nghề còn yếu kém của lao động địa phương.

Một vấn đề khác về lao động mà doanh nghiệp FDI cũng phải đối mặt, đó là tình trạng lao động mà họ đã mất công đào tạo lại nghỉ việc. Tỷ lệ lao động được doanh nghiệp đào tạo tiếp tục làm việc trên một năm giảm từ mức 70% năm 2012-2013 xuống còn 63% trong năm 2017.

Cùng với vấn đề người lao động chuyển sang doanh nghiệp khác làm việc sau khi được đào tạo là tình trạng sụt giảm tỷ lệ lao động có hợp đồng lao động chính thức. Từ mức 95,3% năm 2013, con số này đã giảm dần xuống còn 85,4% năm 2017. Chính vì vậy, có thể thấy mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp ngày càng trở lên ngắn hạn và ít chính thức hơn.

Tình trạng này nếu tiếp diễn có thể dẫn tới hai hậu quả như kỹ năng được doanh nghiệp đào tạo thường mang tính đặc thù theo doanh nghiệp, vì thế người lao động khi chuyển việc sang công ty khác sẽ ít tận dụng tối đa được những kỹ năng này. Tình trạng lao động bỏ việc nhiều sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đào tạo kỹ năng cho người lao động Việt Nam và như vậy sẽ hạn chế tác động của hiệu ứng lan tỏa về kỹ năng và kiến thức từ khối doanh nghiệp FDI cũng như cản trở Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng. Mức độ cam kết thấp cùng kỹ năng kém của lao động Việt Nam đang đặt các doanh nghiệp FDI vào tình thế rất nan giải.

 “Để tối đa hóa những lợi ích từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam không thể chỉ tiếp tục dựa vào lợi thể về lao động giá rẻ, lĩnh vực mà các đối thủ trong khu vực sẽ có thể nhanh chóng bắt kịp. Việt Nam cần phải cải thiện chất lượng lao động để thu hút đầu tư vào các ngành giá trị gia tăng cao hơn như máy tính, điện tử và xe có động cơ”, đại diện nhóm thực hiện Báo cáo PCI 2017 đánh giá.