Bánh bao: Vỏ hóa chất, nhân đồ ôi thiu
> Dùng bột làm sạch bồn cầu nấu cho thực khách
> 'Đột kích' lò bánh Trung thu bốc mùi
Bánh bao thường được nhiều người chọn làm đồ ăn sáng, ăn vặt vì dễ ăn, dễ mua và giá cả cũng rẻ. Song ít ai biết rằng đằng sau những chiếc bánh bao nóng hổi, thơm lừng, trắng phau ấy là một quy trình công nghệ sản xuất mất vệ sinh và hòa trộn thêm hóa chất tẩy trắng độc hại.
Bánh bao trắng mịn nhờ chất tẩy độc hại
Điều tra của một đơn vị chứng nhận chất lượng mới đây cho biết, trong quá trình làm bánh bao, chỉ cần cho 1-3% chất tẩy trắng vào bột bánh bao sẽ thấy bột trắng hơn, vỏ bánh mịn màng, căng bóng và trông bắt mắt hơn. Các loại bánh bao không sử dụng bột tẩy dù có làm sạch sẽ đến đâu thì vẫn có màu ngà vàng và không căng bóng, đẹp mắt bằng.
Bột tẩy trắng, hay đúng hơn là “bột tẩy đường” có tác dụng làm trắng thực phẩm như: bánh bao, bún, phở, miến... thường, loại bột này được đựng trong cái túi nylon, bên ngoài chỉ dán dòng chữ “tẩy trắng thực phẩm”, không hề có nhãn mác ghi tên, địa chỉ nhà sản xuất cũng như thành phần, công dụng, hạn sử dụng và liều lượng, cách dùng. Tuỳ người mua mà người bán cân đong đo đếm theo yêu cầu nhiều hay ít.
Tại Tp Hồ Chí Minh, loại bột độc hại này được bày bán trôi nổi trên thị trường. Tại các khu chợ như chợ Kim Biên chỉ cần hỏi người bán hàng tạp phẩm, phụ gia thực phẩm, hỏi bột tẩy trắng bánh bao thì muốn mua bao nhiêu cũng có.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, hiện nay, để tẩy trắng một số thành phẩm, các hộ sản xuất vẫn thường dùng đến chất tẩy trắng sunphit natri (Na2SO3). Sunphit natri tách ra thành SO2 là chất ôxi hóa mạnh, gây ảnh hưởng xấu tới đường ruột, có thể gây viêm loét dạ dày. Ngoài ra, đây là một chất gây độc, có khả năng gây hại niêm mạc mắt, niêm mạc miệng, gây hại nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là đối với trẻ em.
Rợn người công nghệ làm bánh
Điều tra của VTC News tại hai cơ sở khá nổi tiếng trong giới làm bánh bao ở Thanh Xuân, Hà Nội thì quy trình sản xuất bánh bao ở đây rất mất vệ sinh.
Cơ sở bánh bao của anh M (ở Triều Khúc, Thanh Xuân) là căn gác xép xập xệ, ẩm thấp; lối vào là nơi thu gom phế thải với chai, lọ ngổn ngang cùng những thùng đồ phế thải cao ngất bốc mùi nồng nặc. Tại cơ sở sản xuất, những chiếc thùng, xô, chậu lem luốc, dính đầy bột trắng.
Những bó miến, mộc nhĩ dùng để làm nhân bánh vứt lăn lóc trên nền nhà. Không gian khá chật chội với lỉnh kỉnh những bình xăng, 2 chiếc nồi hấp và hàng chục khay đựng bánh bao xếp chồng chất lên nhau, bày xung quanh căn gác xép nhỏ, hẹp. Những chiếc máy đảo bột đen kịt vì han gỉ, ít được lau rửa nên hôi nồng mùi bột lên men. Những khay đựng bánh bao mới ra lò thì đã cáu bẩn, đầy cặn bột và bụi bặm bám quanh.
Còn tại cơ sở sản xuất bánh bao nhà chị N. (quận Thanh Xuân, Hà Nội), công nhân dùng tay trần trực tiếp lăn, nặn, bóp bánh. Những rổ trứng chim cút được bóc tách và chuyển ngay vào chỗ làm bánh, không qua khâu lọc rửa. Những chiếc khay đựng bánh vứt ngổn ngang giữa lối đi, dụng cụ đồ nghề bày bừa bãi trên sàn nhà. Tường nhà ẩm thấp, mốc xanh, mốc trắng, chiếc kệ gỗ được đặt trong một góc nhà đầy rẫy những túi bột mì xếp lung tung, bừa bộn.
Nhân bánh làm từ thịt ế, thức ăn thừa
Theo phản ánh của nhiều khách hàng tại một cơ sở bánh bao khá nổi tiếng ở huyện Hóc Môn, TP.HCM thì ngoài khâu làm bánh mất vệ sinh, cơ sở này còn dùng thịt ế, thức ăn thừa làm nhân bánh.
Công nhân làm bánh ở đây cho hay, thịt phải lấy từ chiều tối để chuẩn bị tất cả mọi công đoạn cho buổi bán hàng sáng hôm sau. Những miếng thịt trong túi màu nhờ nhờ, được quảng cáo là hàng chiều nhưng bằng cảm quan, có thể nhận biết đó là hàng bị bán ế. Kế bên là hai thùng to tướng các loại “hỗn hợp” rau, củ quả mà ở đây họ bảo là sẽ dùng làm “nhân bánh”.
Một công nhân ở đây “bật mí”: Mấy loại đã chế biến rồi là được thu mua lại từ các thức ăn thừa tại nhà hàng mang về tái chế lại và trở thành một mẻ nhân bánh thơm tho. Còn nếu mua thịt thì phải mua thịt chiều, vì thịt buổi chiều mới có giá rẻ. Mà thực chất cũng có đôi lúc mua được các loại thịt của ngày hôm trước dư lại, giá thành thấp gấp ba lần.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết, việc dùng các thực phẩm đã qua sử dụng để làm nhân bánh là rất nguy hiểm, đặc biệt là trong điều kiện mất vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay.
Bánh bao “tẩm” bụi đường
Không chỉ khiếp vía về công nghệ sản xuất bánh bao, nhiều người còn cảm thấy hãi hùng khi chứng kiến cảnh vận chuyển, bán bánh.
Theo phản ánh của báo Đất Việt, sáng ngày 26/09/2013 tại đường Trường Chinh, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, nhiều người đi đường nhìn thấy cảnh bánh bao được chở trên xe máy với nắp đậy sơ sài.
Món ăn tưởng chừng ấm nóng, thơm ngon giờ đây được xếp trên các khay nhựa đầy khe hở và “du hành” cùng bụi đường. Chứng kiến cảnh bánh bao "du hành" đường phố như thế này liệu ai còn dám ăn?
Theo Hạnh Nguyên
Vietnamnet