> Thái Lan: 269 người chết vì lũ
Dự kiến những ngày cao điểm lũ sẽ diễn ra từ 16 đến 18-10. Và nếu thực tế này xảy ra, đây sẽ là trận đại hồng thủy của Thái Lan.
Đây là trận lụt tồi tệ nhất trong lịch sử Thái Lan trong vòng 50 năm qua. Phó thủ tướng Kittiratt Na Ranong thúc giục người dân thủ đô phải luôn trong tư thế sẵn sàng. Trả lời các phóng viên tại Bangkok, ông nói: “Mọi người phải chuẩn bị sẵn tinh thần mình sẽ làm gì và đi đâu”.
Khủng hoảng lụt
Theo tờ The Nation, tính tới hôm qua, 15-10, đã có 627 làng ở Bangkok chìm trong nước khi mực nước dâng cao 70 cm. Nhiều khu vực nằm trong nội thành Bangkok cũng bị ngập.
Các quan chức của chính quyền thành phố Bangkok đang hối hả chất bao cát dọc theo đường nước có thể tràn vào. Họ cũng phát các nhu yếu phẩm cho người dân vùng ngập lụt như thuốc men, thực phẩm. 96 trường học trong 17 quận được chuẩn bị để biến thành nơi trú ẩn cho 19. 400 di dân của vùng này nếu xảy ra ngập lụt.
Theo dự kiến, ngày 15-10, khối nước khổng lồ tràn vào thủ đô Bangkok từ phía bắc. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa xảy ra tính tới tối 15-10.
Sau khi kiểm tra mực nước sông Chao Phraya, thống đốc Bangkok ông Sukhumbhand Paribatra cho biết, mực nước cao hơn so với đỉnh lũ của năm 2010, đạt 2,13m so với mực nước biển (đỉnh lũ năm ngoái là 2,10m). Ông nói: “Chúng ta phải sẵn sàng di tản người dân sống gần bờ”.
Các tình nguyện viên dân sự và quân đội đang nỗ lực để ngăn nước lũ tràn vào thủ đô Bangkok. Các kênh rạch được khơi thông để dẫn nước ra biển. Các nhân viên chính phủ đang nỗ lực dùng các bao cát cao 1,5m để tạo thành bức tường bao dài 4km xung quanh thành phố để ngăn nước. Phó Thủ tướng Thái Lan Kittiratt cho biết: “Chúng tôi chỉ có thể xây các đập chắn. Nếu mức nước vượt quá các đập chắn, toàn bộ Bangkok ngập lụt là điều không thể tránh khỏi.”
Các cửa hàng trong một số khu vực của thủ đô đã hết sạch hàng trước sự đổ xô đi mua của người dân. Một số người tìm cách đỗ xe hơi ở những tầng cao của các bãi đỗ xe nhiều tầng với hy vọng xe của mình không bị dìm trong nước.
Ngập lụt đã làm nền kinh tế Thái lan bị ảnh hưởng kể từ nhiều tuần nay. Nhiều nhà máy sản xuất ô tô của Nhật Bản như Toyota và Honda phải ngừng sản xuất do các thiết bị hư hại. Thành phố Ayutthaya, di sản thế giới với nhiều khu đền và đài tưởng niệm cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện nước lũ đã tràn qua 60 trong số 77 tỉnh của Thái Lan trong vòng 2 tháng qua, làm nhiều nhà máy chìm trong biển nước và phá hủy hơn 10% diện tích trồng lúa của đất nước này. Bộ trưởng tài chính Thái Lan cho biết, trận lụt này có thể làm tăng trưởng kinh tế Thái Lan giảm từ 4 % xuống 3,7 % và có thể thiệt hại 3,9 tỷ USD.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đang kêu gọi các quan chức hoàn thành ba đập chắn lũ bổ sung và 5 kênh đào để giúp Bangkok tránh được ngập lụt trước khi đỉnh lũ dâng cao vào ngày 17-10. Cảnh báo về du lịch đã được thông báo tới 21 quốc gia trong đó có Mỹ, Mexico, Tây Ban Nha.
Rất may, các điểm du lịch ăn khách của Thái Lan như bờ biển Koh Samui, Krabi và Phuket không bị ảnh hưởng. Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Thái Kan Walter Braunohler cho biết, một đội khoảng 10 người thuộc Hải quân Mỹ sẽ tới Bangkok vào ngày 15-10 để bắt đầu việc khảo sát xem Washington có thể giúp được gì.
Thiên tai hay nhân tai?
Theo các nhà phân tích, những trận lũ lụt thời gian gần đây tại Bangkok, đặc biệt là đại hồng thủy này được cho là do con người gây ra, chứ không phải thiên tai. Bangkok có địa hình đổ dốc theo hướng đông, nhận nước từ nguồn phía bắc đổ ra sông Chao Phraya. Tất cả nguồn nước đều băng ngang thủ đô, tràn qua các hệ thống thoát nước và kênh rạch để đổ ra biển. Trong những năm gần đây, Bangkok phát triển với tốc độ chóng mặt. Đường sá được xây liên tục để nối các thành phố vệ tinh nhưng lại cắt ngang hướng thoát nước hoặc thậm chí thay đổi dòng chảy, gây tắc nghẽn. Việc thoát nước bằng kênh rạch, sông ngòi được chuyển sang hệ thống ống bêtông thiếu tính toán kỹ lưỡng.
Nạn đào bới để khai thác nước ngầm một cách thái quá, bất chấp việc ngăn cấm của chính phủ đã dẫn tới tình trạng sụt lở và xói mòn đất nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm Bangkok bị lún 5-10cm.
Ngoài ra, việc lấn chiếm rừng phòng hộ làm khu du lịch nghỉ dưỡng, lấp kênh rạch xây nhà, bịt cống thoát nước, thậm chí phá các cổng ngăn nước để nước thoát sang các vùng đất thấp hơn cũng là những nguyên nhân gây nên tình trạng ngập lụt. Nhiều đập nước khổng lồ như Sirikit, Bhumipol, Kieulom đang dần quá tải và phải lần lượt xả lũ để tránh vỡ đập.
Dự báo, từ ngày 16 đến 18-10 là nguy cơ lụt cao nhất của Bangkok. Trận lụt này đã quét qua 2/3 đất nước Thái Lan làm thiệt mạng 269 người và ảnh hưởng tới hơn 8,2 triệu dân Thái kể từ ngày 25-7 đến nay, theo thống kê của bộ Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Hơn 200 đường quốc lộ và đường xá không thể đi được, và các tuyến đường sắt tới miền bắc phải đóng cửa.
Hạnh Phương
Theo The Nation, Bloomberg, AP