Bán Vietlott dạo, cấm hay không?

TPO - Tại buổi hội thảo 'Minh bạch thị trường vé số' chiều 12/4, vấn đề có được phép bán dạo vé số điện toán (Vietlott) hay không đã làm nóng hội trường do nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia.
Vấn đề có cấm bán Vietlott dạo hay không vẫn còn nhiều tranh cãi.

Vụ việc những người bán vé số Vietlott dạo bị tịch thu, phạt tiền liệu có đúng luật không? Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, căn cứ vào quy định của pháp luật hiện nay, việc kinh doanh vé số Vietlott phải thông qua phương thức phân phối thiết bị đầu cuối và phải nằm trong địa bàn được Bộ Tài chính cho phép kinh doanh (mới chỉ có 12 tỉnh, thành). Pháp luật không cho phép các cá nhân bán lẻ loại vé số này mà không thông qua hình thức đại lý.

“Tại TPHCM, rất nhiều cá nhân mua vé số này từ các đại lý và đem bán rộng rãi ra thị trường mà không có sự quản lý của bất kỳ ai. Thực chất, đây là hành vi vi phạm quy định của pháp luật”–Luật sư Hậu khẳng định.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển lại cho rằng, cấm người bán dạo vé số Vietlott là không phù hợp. Bởi theo quy định tại Điều 2 Thông tư 136 năm 2013 của Bộ Tài chính thì đối tượng áp dụng là đối với công ty xổ số điện toán, đối tượng tham gia dự thưởng xổ số tự chọn số điện toán, đại lý xổ số tự chọn số điện toán; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh và quản lý hoạt động kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán. Cho nên, chỉ những đối tượng nêu trên mới bị điều chỉnh và bị xử lý về hành vi liên quan đến hoạt động kinh doanh và quản lý hoạt động kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán – ông Hiển nói.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó vụ trưởng Vụ tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng (Bộ Tài chính) cho rằng việc bán vé Vietlott dạo, mua đi bán lại có bị xử lý hay không còn... tùy. Theo ông Dương, vé số Vietlott hiện phải bán qua thiết bị đầu cuối (máy in vé). Trường hợp bị phát hiện người kinh doanh bán sai địa bàn, bán sai mệnh giá là vi phạm quy định và sẽ bị xử lý.

“Tuy nhiên, việc bán sai và có xử lý, xử phạt hay không còn phải căn cứ vào từng tình huống cụ thể. Nếu cá nhân mua đi bán lại một ít vé, dù bán lại với giá cao hơn 10.000 đồng/vé thì cũng khó mà xử lý vi phạm. Còn những cá nhân, tổ chức thiết lập đường dây bán lại vé Vietlott có khi lên tới 15.000 đồng/vé, số lượng bán ra lớn, thường xuyên nhằm thu lợi nhuận cao thì rõ ràng đã vi phạm pháp luật. Lúc này các cơ quan chức năng hoàn toàn đủ căn cứ để xử phạt theo quy định – ông Dương khẳng định.