Bạn và thù

TP - Các nghị sỹ Cộng hòa vừa lên tiếng chỉ trích Tổng thống Mỹ Barack Obama vì dường như ông đã có những đảm bảo, tuy không chính thức, với người đồng nhiệm Nga.

> Tổng thống Mỹ sẽ đến thăm khu phi quân sự Triều Tiên

Có vẻ ông đã nói với Tổng thống Dmitry Medvedev rằng đợi đến khi kết thúc kỳ bầu cử tổng thống lần này, Mỹ sẽ “linh hoạt” hơn về chuyện thương thảo liên quan hệ thống phòng thủ tên lửa hạt nhân.

Phe Cộng hòa ngay lập tức mô tả “hành vi” của tổng thống là sự xuống nước với “kẻ thù địa chính trị số một của nước Mỹ”. Nhưng nay Nga có còn là “con ngáo ộp” với người Mỹ không?

Hơn hai thập kỷ trước, chắc chắn sẽ có nhiều người đồng tình với các ông nghị Cộng hòa.

Nhưng nay là thế kỷ 21 và nhiều thứ đã thay đổi. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều người Mỹ luôn tỏ ra cay độc khi nói về Liên Xô.

Trong một cuộc thăm dò được tiến hành năm 1983, có tới 93% người Mỹ được hỏi nói Nga hoặc không thân thiện, hoặc chính là kẻ thù của Mỹ. Năm 1990, khoảng 32% người Mỹ nói Liên Xô (sau đó là Nga) là mối nguy lớn nhất đối với Mỹ, theo một cuộc điều tra của Trung tâm nghiên cứu Pew.

Sự thù địch của người Mỹ với những ông bạn Slav ở Đông Âu cứ thế giảm dần. Năm 1993, có tới 2/3 số người được hỏi nói Nga “thân thiện” với Mỹ, thậm chí còn là “đồng minh”. Trong những năm gần đây, dường như nhiều người Mỹ đã thôi ý nghĩ Nga là “kẻ thù”.

Ví dụ, cuộc điều tra năm 2012 cho thấy chỉ có 2% người Mỹ nói Nga là “kẻ thù không đội trời chung”. Gần 20% cho rằng Nga là đồng minh ở những thời điểm nhất định.

Có lẽ vì vậy mà việc nghị sỹ Cộng hòa Mitt Romney gọi Nga là “kẻ thù địa chính trị số một của nước Mỹ” khiến ông bị nhiều người nhìn nhận là có quan điểm lỗi thời.

Nhưng ông Romney không phải là không có khả năng nhận được tán đồng từ công chúng, bằng chứng là thái độ của người Mỹ đối với nước Nga trong một thập kỷ qua cũng lên lên xuống xuống.

Và những người Mỹ lớn tuổi sẽ khó lòng thay đổi ký ức về một thời chiến tranh lạnh kéo dài hàng chục năm để có thể thoải mái với những người Slav bên kia Thái Bình Dương như con cháu họ.

Năm 2008, tờ Washington Post tổ chức thăm dò dư luận về Nga sau khi nước này có cuộc xung đột chóng vánh với Gruzia, một nước từng nằm trong Liên bang Soviet.

Kết quả là thái độ thù địch với Nga tăng lên nhanh chóng. Nhưng rồi cũng như trước, người Mỹ dần dịu đi và năm ngoái, 60% người Mỹ được hỏi nói Nga thân thiện hoặc có thể coi là đồng minh.

Thái độ của người Mỹ còn có thể được giải thích qua việc đã xuất hiện những mối đe dọa mới như khủng bố quốc tế, chạy đua hạt nhân, sự trỗi dậy của Trung Quốc… và không thể bỏ qua thực tế là ảnh hưởng của Nga đối với thế giới đã và đang giảm.

Nhưng thực tế một thập kỷ qua cũng cho thấy thế giới có thể thay đổi nhanh đến thế nào. Và tư thế bạn-thù, đồng minh-đối địch cũng có thể vì thế mà chuyển biến khôn lường.

Theo Báo giấy