Bạn trẻ chơi... Rồng

TP - Chơi rồng Nam Mỹ, rồng Úc hay rồng Việt đã trở thành phong trào. Người khơi nguồn đam mê độc, lạ và nhân rộng tình yêu động vật trong cộng đồng người trẻ chính là Nguyễn Minh Nghĩa, sinh năm 1982, chủ quán cà phê Pet clup (Hà Nội). Có người mải chăm rồng cưng đã cai nghiện được game.
Ông chủ quán Pet Cafe và chú rồng Nam Mỹ vàng

> Tết này: Săn rồng & 'phượt' xa

Ông chủ quán Pet Cafe và chú rồng Nam Mỹ vàng.

Mười năm nuôi đam mê

Pet cà phê nằm ở một góc khuất, trên số 37 đường Trần Hữu Tước, nhưng thu hút nhiều bạn trẻ đến nhâm nhi cà phê và ngắm thú. Dần dần Pet cà phê trở thành điểm hẹn lý tưởng của người yêu động vật và du khách nước ngoài. Nhiều ông bố, bà mẹ cũng tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần dẫn con đến tham quan. Quán có diện tích rộng 100m2 với 18 ô, chuồng được thiết kế bằng gỗ và kính. Bước chân vào quán, khách như lạc vào một khu rừng thật sự.

Mười chú rồng được nhập từ các nước Nam Mỹ, Achentina, Paraguay… được Minh Nghĩa kỳ công nhờ bạn gửi về từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaisya. Hàng ngày, Nghĩa cho thú ăn và tự tay chăm sóc từng thú cưng rất tỷ mẩn. Nghĩa cho rằng, không ai hiểu chúng bằng mình đồng thời đó cũng là một cách thuần dưỡng để chúng gần gũi với con người hơn.

Minh Nghĩa kể, anh đã mất khá nhiều thời gian nuôi giấc mơ mở quán cà phê động vật. Mới học lớp 6, lớp 7 Nghĩa đã rất thích động vật. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng Nghĩa không bỏ sót một cuộc đi chơi đến nhà họ hàng nào ở Tuyên Quang, Sơn La, Lạng Sơn… chỉ để trốn vào rừng xem động vật. Nghĩa thú nhận, kỳ lạ là anh chỉ thích mấy loài bò sát như rắn, kỳ nhông, rồng đất… Hồi ấy, cậu bé Minh Nghĩa mang mấy chú kỳ nhông về Hà Nội. Chúng chạy tứ tung khắp nhà, cậu bị bố quạt cho một trận ra hồn.

Từ một chàng công tử được bố mẹ lo từ ăn uống đến giặt giũ, 20 tuổi, thi trượt đại học Minh Nghĩa bỗng từ bỏ tất cả ra ở riêng chỉ để… nuôi thú và ấp ủ giấc mơ mở quán cà phê. Đó là những năm tháng anh ăn chung, ngủ cùng với thú.

Thành viên Pet Club và chú rồng cưng.

Anh kể: “Sáng ngủ dậy, một chú rắn, kỳ nhông khoanh tròn trong chăn là chuyện thường”. Thú cưng của anh thả chạy rông khắp nhà. Anh kể, một lần người bạn đến chơi, anh quên không cảnh báo. Khi vào nhà vệ sinh, gặp chú rồng giương mắt cười hiền trong góc, anh bạn tím tái mặt mày bỏ chạy. Người yêu ban đầu chưa quen cũng nhăn nhó, khiếp sợ, nhưng sau cũng miễn nhiễm với chúng lúc nào không hay.

Vào đại học, rồi tốt nghiệp (ĐH Mỏ địa chất, ngành chứng khoán), Minh Nghĩa đi làm nhưng vẫn ôm giấc mơ mở quán cà phê để thú có được khoảng không gian riêng. Thế rồi, đầu năm 2009, quán Pet cà phê do Nguyễn Minh Nghĩa làm chủ khai trương tại số 2 phố Khâm Thiên, Hà Nội.

Trên blog và các mạng xã hội những hình ảnh các cô cậu bế, ẵm rồng, rắn lần đầu tiên được post lên và truyền đi với tốc độ chóng mặt. Giới trẻ kháo nhau Pet cà phê là một khu rừng nguyên sinh trong lòng thành phố. Hơn 40 con rồng, rắn, nhện, bọ cạp các loại - nhưng chủ yếu là rồng - được Minh Nghĩa huấn luyện từ bé nên chúng rất thân thiện với con người.

Bình thường chúng được nuôi nhốt trong từng ô, chuồng kính có đèn để khách xem. Nếu ai muốn thử cảm giác được ôm thú đều được, chủ và nhân viên Pet cà phê sẽ bắt con vật ra và hướng vẫn cách ôm ấp các chúng một cách tận tình.

Pet cà phê ra đời chưa ấm chỗ, chủ nhà lại đòi nhà. Anh ấm ức vì để có một địa điểm như thế mất không ít công sức, tiền của để sửa nhà, lắp thiết bị tạo không gian cho thú. Minh Nghĩa lại loay hoay đi tìm “nhà” mới cho các em thú.

Phát cuồng vì rồng

Đến Pet cà phê với tâm lý đến cho biết, nhưng không ít bạn trẻ từ chỗ hiếu kỳ đâm ra thích rồng. Được ôm ấp, vuốt ve và trực tiếp cắt rau củ cho rồng ăn, tắm cho rồng có bạn đã nghiền những em rồng lí lắc lúc nào không hay. Mon men hỏi kinh nghiệm chăm sóc, ông chủ Nguyễn Minh Nghĩa không ngại ngần chia sẻ hết mọi bí quyết. Nhiều bạn trẻ nóng lòng sở hữu bằng được một em rồng nhỏ. Phong trào nuôi rồng dần lan ra trong giới trẻ.

Chơi rồng, nhiều tín đồ rồng đặt ra nhiều nguyên tắc khắt khe về tuổi, mệnh có hợp với rồng hay không. Trong Hội những người chơi rồng trên Facebook, Nguyễn Trung Thành (SV năm 2 ĐH Ngoại thương) mới chơi rồng nửa năm nay nhưng được cư dân nể phục vì Thành biết chơi và chơi nhiều rồng nhất. Thành sở hữu 6 thú cưng có nguồn gốc Nam Mỹ, Úc anh nhờ người quen xách về từ Thái Lan, Trung Quốc.

Thành tính toán xem tuổi, mệnh của mình để mua thú có màu da thích hợp và đặt tên cho chúng là Gù, Úc… Thành cho biết, anh xoay xở với 6 con thú cả ngày. Trong số đó, anh cưng Gù nhất. “Gù rất thông minh, sau một thời gian, chỉ cần ra dấu vẫy tay, gọi tên là Gù chạy đến”, Thành dành những từ thân thương về chú pet cưng. Gù là giống rồng Nam Mỹ, có màu da xanh biếc giá 15 triệu đồng.

Nuôi rồng, phải hiểu đặc tính của từng con. Thành phải dò dẫm thông tin trên mạng để nghiên cứu thức ăn, môi trường sống của chúng. Ví như, rồng Úc quen môi trường sống sa mạc nắng nóng nên khi làm chuồng nhất định phải có đèn chuyên dụng có tia UVA, UVB. Rồng cũng là động vật biến nhiệt, phải dùng đèn chiếu nhiệt để giúp chúng tiêu hóa thức ăn hàng ngày. Có nguồn gốc tự nhiên, nên sức đề kháng của rồng rất tốt, ít ốm đau, Thành chia sẻ.

"Nhân rộng tình yêu động vật trong cộng đồng, tôi hi vọng mọi người thay vì đánh giết sẽ thân thiện hơn với động vật và bảo vệ chúng" - Nguyễn Minh Nghĩa, Chủ nhiệm Pet Clup. 

Nhà nhỏ, Thành vác rồng sang nhà người yêu đóng một bể kính to và hai bể nhỏ làm chuồng trại cho chúng. Thi thoảng, các thú cưng lại được ông bà chủ mang ra tắm và phơi nắng. “Câu chuyện tình yêu của hai bạn lắm lúc chỉ xoay quanh việc chăm sóc và đưa thú đi chơi”, người yêu Thành có nick name dễ thương Kẹo, chia sẻ.

Trần Phương Nam, sinh viên năm thứ 4 trường ĐH Kiến trúc vì mê rồng đã tình nguyện đến làm nhân viên phục vụ ở Pet cà phê để được chăm sóc chúng. Nam hiện sở hữu ba chú rồng xinh xắn, đáng yêu có nguồn gốc từ ba nước Nam Mỹ, Úc và rồng nhà Việt Nam. Cưng thú, Nam cẩn thận mua rau, củ quả sạch từ siêu thị. Về nhà, Nam còn mang rửa qua máy lọc ô zôn rồi mới mang thái nhỏ cho rồng ăn.

Hàng ngày, một vài chú rồng nhà được Nam vắt lên vai, phóng xe máy veo veo đến quán để chơi cùng các em rồng khác. Thành tín đồ rồng, trừ thời gian học ở lớp Nam quấn rồng cả ngày. “Chăm sóc thú cần sự tỉ mẩn và mất nhiều thời gian”, Nam cho biết. Từ ngày chơi rồng cậu không tha thiết đến game nữa nên bố mẹ hoàn toàn ủng hộ.

Trên trang mạng xã hội facebook, các thành viên từ mọi miền thi nhau post hình ảnh, chia sẻ cách chăm sóc sôi động. Các thành viên cho biết, ở Hoàng Hoa Thám có cụ già hơn 70 tuổi cũng mê rồng, sở hữu chú rồng màu da cam rất đẹp.

Yêu rồng, chưa có điều kiện nuôi, các bạn khác cũng đam mê rồng không kém. Nguyễn Gia Anh Vũ, học sinh trường Dân lập Hà Nội gia nhập CLB Pet khi trong tay chưa sở hữu con thú nào. Anh Vũ trở thành bạn thân thiết của pet, một tuần Vũ đến 5-6 lần chỉ để ngắm nghía và cho pet ăn.

Vũ tiết lộ, đang để tiền tiết kiệm cũng như nguyên vật liệu xây dựng chuồng trại để cưới em pet về nhà trong tương lai không xa. Để có tiền, Dũng đã nuôi heo đất, đi làm thêm và đôi khi còn nhịn cả tiền ăn sáng.

Chu Đức Thành ở Ba Đình (Hà Nội) còn lôi kéo bạn bè đến chơi với pet hàng tuần. Được cưng nựng, tắm cho chúng cậu có cảm giác quên hết mệt mỏi. “Nhìn bề ngoài nó gai góc, gớm ghiếc mọi người dễ sợ thực ra nó hiền khô và đáng yêu lắm”, Thành nói.

Rồng Nam Mỹ xanh. Ảnh trong bài của Xuân phú.

Nghiện rồng bỏ được nghiện game, nghiện rượu

Từ khi phong trào chơi rồng lan rộng khắp các miền Bắc, Trung, Nam trong nhiều người trẻ, chủ quán Nguyễn Minh Nghĩa bận rộn hơn với việc tư vấn, hướng dẫn cho những người đến học hỏi kinh nghiệm. Anh nảy ý tưởng thành lập Câu lạc bộ để sinh hoạt định kỳ, cùng các thành viên chăm sóc thú khi đau ốm và cao hơn là tìm cách nhân rộng giống rồng tại chỗ để giảm bớt giá thành. Từ trước đến nay, Nghĩa một mình mày mò đọc tài liệu, tự chăm sóc nên rất hiểu nỗi khó khăn của các bạn trẻ khi bập vào thú chơi rồng.

Minh Nghĩa cho biết, rồng là loài bò sát chỉ ăn rau, củ quả, khá dễ nuôi nhưng cũng là thú chơi khá tốn kém. Khách có thể mua rồng từ nước ngoài hoặc Việt Nam, giá từ 200.000 đồng đến vài chục triệu. Rồng có nguồn gốc Việt Nam giá mềm hơn, chỉ 200 đến 500 nghìn.

Rồng có nguồn gốc nước ngoài đắt hơn, cá biệt có con lên tới 200 triệu. Tuy nhiên, anh em chơi rồng đều có chung đặc điểm khi đã chơi rồng, những thú chơi khác như game, bia rượu... không còn hứng thú.

Thuốc chữa bệnh cho rồng khá hiếm hoi, các thành viên phải nhờ người gửi từ nước ngoài về. Riêng Nghĩa, trước đây từng sinh hoạt trong Hội sinh vật cảnh Việt Nam nên đã có chút kiến thức. Anh cho biết, những bệnh rồng hay gặp hiện nay là gãy gai, gãy chân, giun sán, cảm cúm…“Nó cũng sổ mũi, hắt xì hơi như con người”, anh nói.

Từ CLB đến trang trại nuôi thú cưng

Tháng 9-2010, Pet Clup ra đời chỉ với 24 thành viên. Đến nay, CLB đã kết nạp tới 200 thành viên sinh sống ở nhiều nơi. “Chính tôi cũng bất ngờ và vui vì không ngờ có nhiều anh em chung đam mê, sở thích với mình đến thế”, Minh Nghĩa nói.

CLB ra đời do Nguyễn Minh Nghĩa làm chủ nhiệm, lấy Pet cà phê làm điểm sinh hoạt. Cứ chủ nhật hàng tuần, hội viên Pet lại xôm tụ để show pet và bàn tán sôi nổi về pet của mình tuần qua ăn ngủ thế nào, có bị sổ mũi, đau họng hay không…

Quán cà phê Pet gần 3 năm hoạt động chưa đạt được mục đích kinh doanh nhưng đã giúp Nghĩa thỏa đam mê nuôi thú, anh thổ lộ. Vợ anh là người hoàn toàn tôn trọng đam mê, sở thích của chồng. Cô con gái nhỏ hơn 2 tuổi lớn lên trong môi trường đầy rẫy thú tung tăng trong nhà nên rất dạn dĩ.

Em bé bế tất cả những con thú ở gần không hề sợ hãi. Mải tìm cách bắt một chú sóc lanh lợi, bị sóc nhảy vào mặt, em bé khóc thét nhưng chỉ hai phút sau lại cười khanh khách đuổi bắt những con thú khác. “Cũng may, loài thú này lành tính, không gây bệnh nên thả thoái mái, chỉ sợ khách làm tổn thương hoặc mất thú”, anh nói.

Sau lần chuyển quán, anh ấp ủ ý định phát triển thành trang trại chăn nuôi thú trên diện tích khoảng 500m2. Nghĩa dự định sẽ cùng các thành viên CLB pet nghiên cứu, tìm cách ép nở, sinh sản một số loài quý hiếm như rồng Nam Mỹ đồng thời mở rộng các loài rắn, bọ cạp, nhện, kỳ đà, kỳ nhông. Tuy nhiên, để thực hiện được giấc mơ này còn nhiều khó khăn, bởi phải được nhà nước cấp phép.

 
 
Theo Báo giấy