> Dịch vụ khám chữa bệnh tăng giá thế nào?
Thế nhưng, trái với phỏng đoán của tôi, bố không hề gọi điện thoại hay gửi tin nhắn cho tôi ra đón. Khám bệnh xong, bố bắt xe về trong ngày. Lúc tôi biết, càm ràm bố vài câu, bố ngập ngừng định nói gì đó, nhưng lại thôi. Mẹ tôi nói, chen vào trong điện thoại: “Là bố sợ sẽ làm mất thời gian và ảnh hưởng công việc của con. Chẳng phải hôm đó, con rất bận sao?”.
Quả thật hôm đó, tôi rất bận. Những buổi gặp gỡ khách hàng, khóa tập huấn đặc biệt của công ty và môn thi cuối cùng của khóa học nâng cao làm tôi phải quay như chong chóng.
Trước đó vài hôm, tôi còn than thở với bố mẹ qua điện thoại về quãng thời gian đầy áp lực. Với giọng nói ấm áp và thấu hiểu, bố động viên tôi hãy cố gắng. Vì tôi đang trẻ và con đường phía trước còn dài.
Nhiều lần, tôi tự hỏi, có gì giống nhau giữa tôi và những người trẻ khác? Có lẽ, điểm dễ thấy nhất là sự bận rộn. Như cô bạn thân của tôi chẳng hạn. Làm nhân viên chính thức cho một công ty nước ngoài, tối về cô ấy còn đi dạy thêm tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ và mang tài liệu về nhà để dịch vào những lúc rảnh rỗi.
Khoảng trống hiếm hoi giữa các hoạt động đó là những khóa học khiêu vũ, học kỹ năng sống (chính tôi thắc mắc sao mà bạn mình phải học nhiều thế?).
Điện thoại cho cô ấy lúc nào cũng trong tình trạng máy bận và câu đầu tiên luôn là một câu có vẻ rất khuôn mẫu: “A lô, Huyền Trang xin nghe!” Nhiều lần tôi trách, bạn bè với nhau mà sao lại khách sáo như vậy, bạn tôi cười: “Vì thực sự, mình có quá nhiều mối quan hệ và nhiều việc phải bận tâm nên cứ xưng hô như vậy cho dễ giao tiếp”. Dễ dàng đâu tôi chẳng thấy, đôi khi, tôi chỉ có cảm giác xa lạ với chính cô bạn thân thiết.
Đã có lúc tôi cảm thấy nghi hoặc: “Chúng tôi có thực sự cần bận rộn đến thế không?”.
Ai cũng có công việc của mình và chừng ấy thời gian như nhau trong một ngày. Tại sao có người luôn chủ động trong việc quản lý thời gian, còn có người lúc nào cũng thấy thiếu? Hay, với một ai đó, giấu mình vào sự bận rộn còn là một cách để chối từ việc phải quan tâm những điều xung quanh.
Hoặc, khi khoe rằng mình bận rộn cũng là khéo léo nhắc nhở với mọi người rằng, mình là người quan trọng và có vị trí nhất định trong công việc, như một cách “giương vây” của người trẻ vậy. Có điều, đôi khi sự bận rộn đúng nghĩa và không đúng nghĩa ấy, lại được thể hiện với những người chúng ta thân thiết nhất.
Nghĩ về chuyến đi khám bệnh của bố, tôi lại áy náy. Bố mẹ đã trở nên e dè và lạ lẫm với tôi như vậy đấy. Lúc tôi mải mê với những mục tiêu xa thì lại vô tình xao lãng những thương yêu gần.
Trong khi, chính những thương yêu gần ấy mới là “bệ phóng” đầu tiên cho ước mơ của tôi được bay cao. Tôi tự nhắc mình, lần sau, dù có bận rộn đến mấy thì cũng đừng để công việc “nuốt” mất mình. Bởi công việc chỉ là một miếng ghép trong rất nhiều miếng ghép khác của bức tranh cuộc sống. Thiếu đi gia đình, bè bạn hoặc thậm chí là những phút giây dành cho bản thân mình thì sự bận rộn của chúng ta còn ý nghĩa gì!