Bán lỗ chứng khoán để trả nợ nhà băng

Anh Tấn Đạt, nhà đầu tư sàn SSI (TP HCM) mấy ngày nay phải tất bật lo khoản tiền 2 tỷ đồng trả nợ ngân hàng, bởi theo qui định của chỉ thị 03, từ đầu tháng 7, các nhà băng không gia hạn cho nhà đầu tư chứng khoán nữa, mà phải tất toán ngay.

>> Cho vay đầu tư CK: Ngân hàng Nhà nước 'cứng rắn'
>> Có những NH cho vay cầm cố CK tới 40-50% tổng dư nợ

Nhiều nhà đầu tư phải bán lỗ chứng khoán để hoàn trả tiền vay ngân hàng. Ảnh minh họa.

Hồi tháng 2, anh Đạt cầm cố ngân hàng vay số tiền nói trên để chơi cổ phiếu OTC. Lúc đó cổ phiếu của Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Eximbank có giá hơn 10 triệu.

Thông thường mỗi lần đến hạn mà chưa xoay đủ tiền anh chỉ cần làm thủ tục gia hạn thêm với nhà băng. Nhưng nay, vì chỉ thị 03, tỷ lệ cho vay cầm cố cổ phiếu của ngân hàng đã vượt mức 3% nên anh buộc phải tất toán khi đáo hạn.

"Khổ nỗi giá hiện tại mỗi cổ phiếu Eximbank chỉ còn hơn 7 triệu đồng. Phần lo trả nợ, khoản phải đóng thêm làm tôi không biết xoay ở đâu ra", anh nói.

Anh Trần Minh, nhà đầu tư tại sàn BSC lại cho hay, anh và nhiều bạn chơi chứng khoán phải cầm cố cổ phiếu ở ngân hàng bởi lãi suất chỉ khoảng 1,2% và thời gian trả nợ lâu. Nhưng từ khi hay tin có chỉ thị 03, anh phải tính bán cổ phiếu đi trả nợ ngân hàng.

"Đúng thời điểm này chứng khoán sụt giảm. Nhưng lỗ chúng tôi cũng phải bán để trả nợ. Không còn lựa chọn nào hơn", anh Minh than thở.

Ngân hàng hoang mang

Trao đổi với VnExpress về vấn đề này, Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) Lý Xuân Hải cho biết, nhà băng này cũng đang rất lo lắng về chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước. "Nếu không đưa ra thời hạn giảm dần mức cho vay xuống còn 3%, mà yêu cầu ngân hàng cắt đột ngột thì cả nhà băng lẫn khách hàng đi vay đều chết", ông Hải nói.

Hiện mức cho vay cầm cố chứng khoán của ACB chiếm khoảng hơn 4% tổng tài sản ngân hàng. Ông Hải đề xuất, để đảm bảo an toàn cho nhà băng và khả năng chi trả của nhà đầu tư đi vay, Ngân hàng Nhà nước nên đưa ra thời hạn dài để giảm dần mức cho vay, ví dụ trong thời gian 6 tháng. Đồng thời, cam kết không hồi tố đối với những trường hợp vay trước khi ban hành chỉ thị 03, tức nhà đầu tư chứng khoán có thể tiếp tục gia hạn nếu vay trước ngày 28/5.

Hiện tại, để tạo thuận lợi cho khách hàng, ông Hải khuyến cáo các nhà đầu tư vay cầm cố chứng khoán cần lập một kế hoạch về nguồn vốn mang tính dài hạn, trong 6 tháng chẳng hạn. ACB sẽ làm việc với nhà đầu tư trên cơ sở kế hoạch đó để bàn cách giải quyết chi trả khoản vay theo chỉ thị 03 mà không gây thiệt cho ngân hàng cũng như người đi vay.  

Cũng không giấu nỗi băn khoăn, ông Phạm Quang Dũng - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho hay, chỉ thị 03 đã không phân biệt rõ các loại chứng khoán cụ thể, trong khi thực tế độ rủi ro của việc cho vay chiết khấu trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty lại khác với cho vay cầm cố cổ phiếu.

Phó tổng giám đốc Ngân hàng Habubank - Nguyễn Thị Bích Thủy thì thắc mắc hiện nay là bên cạnh hình thức tăng vốn, góp tiền thì các hoạt động khác như cho vay ứng trước T+3, cầm cố chứng khoán để đầu tư vào các mục đích kinh doanh khác liệu có bị tính vào tỷ lệ 3%.

Đại diện Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét điều chỉnh lại tỷ lệ khống chế cho vay cầm cố giấy tờ có giá để vừa đảm bảo kiểm soát rủi ro hoạt động đầu tư chứng khoán, mà không gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cũng đề nghị cơ quan quản lý cao nhất của ngành đưa mức tính tỷ lệ cho vay cầm cố tính trên cơ sở tổng tài sản thay vì trên tổng dư nợ như hiện nay.

Thực chất, trước khi đưa ra chỉ thị 03 nói trên, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước VN - Phó vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ - Nguyễn Danh Trọng, các cơ quan chức năng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về sự tăng trưởng quá nóng của TTCK. Một số ít ngân hàng cổ phần có tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán trên tổng dư nợ lên tới 40-50%. “Ngân hàng Nhà nước VN không khuyến khích việc cho vay đầu tư chứng khoán kể cả việc cho vay có cầm cố thế chấp”, ông nhấn mạnh.

Việc đưa ra tỷ lệ 3%, theo ông Trọng, Ngân hàng Nhà nước đã xin ý kiến của các bộ ngành liên quan và được Bộ Tài chính rất ủng hộ.

Theo Vnexpress

Nhắn tin để biết thị trường chứng khoán

Công ty Cổ phần phát triển Công nghệ Hà Thành và báo Tiền phong phối hợp thực hiện dịch vụ nhắn tin qua đầu số 8209 để biết 9 thông tin cơ bản trên thị trường chứng khoán.

9 thông tin đó gồm: 1. Kết quả giao dịch; 2. Chỉ số thị trường TP HCM; 3. Chỉ số thị trường Hà Nội; 4. 5 chứng khoán tăng giá mạnh nhất;5.  5 chứng khoán giảm giá mạnh nhất; 6. 5 chứng khoán giao dịch nhiều nhất; 7. Thống kê giao dịch theo tuần; 8. Thống kê giao dịch theo tháng; 9. Thống kê giao dịch theo năm.

Bạn đọc soạn tin theo cú pháp như hướng dẫn của bảng dưới đây rồi gửi đến số 8209. Mức cước phải trả là 2.000 đồng/bản tin.