> Tập đoàn Dầu khí đứng đầu bảng nợ
> 'Petro Vietnam tìm kiếm ngân hàng để sáp nhập PVFC'
Giá bèo vẫn ế
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành, nhất là các lĩnh vực rủi ro cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp muốn rút vốn không dễ.
Đầu năm, Tập đoàn Than- khoán sản Việt Nam (Vinacomin) triển khai kế hoạch bán toàn bộ 5 triệu cổ phần tại Cty cổ phần bảo hiểm hàng không, với mức giá 10.000 đồng/CP. Tuy nhiên, nhà đầu tư “cạn vốn” và mất niềm tin khiến kế hoạch thoái vốn của Vinacomin bất thành.
Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Vinacomin cho biết: “Số cổ phần chào bán nhưng không có người mua. Chúng tôi báo cáo xin Bộ Tài chính cho chuyển sang hình thức giao dịch thỏa thuận. Tuy nhiên, hiện chưa có đối tác nào ngỏ ý mua”.
Theo ông Biên, quy định của Bộ Tài chính và tinh thần của đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là thoái vốn phải đảm bảo thu hồi vốn nhà nước, tức là bán bằng giá trị sổ sách. Nhưng hiện, tập đoàn đang chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính để thực hiện.
Mặc dù hạn chót thoái vốn ngoài ngành kinh doanh chính (tài chính, ngân hàng) là năm 2014, nhưng Vinacomin đang ráo riết tìm đối tác mua cổ phần. Hiện, Vinacomin mới chỉ bán được 5,94 triệu cổ phần (tỷ lệ 19,8% vốn điều lệ) của Tổng Cty cổ phần bảo hiểm SHB- Vinacomin (SVIC) bằng đúng mệnh giá (10.000 đồng/CP).
Năm 2012, Tổng Cty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) 5 lần đăng kí bán toàn bộ 1,54 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,67%) tại Cty chứng khoán Hòa Bình (mã HBS). Tuy nhiên, Handico mới chỉ bán được 289.900 cổ phiếu. Hiện, do giá cổ phiếu HBS giảm xuống 6.800 đồng/CP, thấp hơn mệnh giá nên tổng công ty đã tạm dừng bán cổ phần.
Tính đến 30-6-2011, Petrolimex đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng vào lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm (chiếm 12,5% vốn chủ sở hữu).
Trao đổi về kế hoạch bán vốn, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex nói: “Chính phủ đã phê duyệt cho tập đoàn được phép thoái vốn từ nay đến năm 2015. Chúng tôi sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để thoái vốn các lĩnh vực ngoài ngành”.
Theo ông Năm, Petrolimex hiện chưa có kế hoạch thoái vốn cụ thể trong công ty bảo hiểm, ngân hàng và đang tìm kiếm nhà đầu tư mua trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả tối ưu.
Sợ trách nhiệm
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư ngoài ngành của 11 tập đoàn là hơn 19.500 tỷ đồng (tương đương gần 1 tỷ USD), chủ yếu vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…
Trong đó, Tập đoàn dầu khí- PVN đầu tư 6.708 tỷ đồng, công nghiệp cao su 3.848 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Tập đoàn điện lực (EVN) đã rót hơn 2.100 tỷ đồng, PVN rót 5.636 tỷ đồng. Nhưng, việc thoái vốn khỏi các lĩnh vực nhạy cảm này đang diễn ra khá chậm.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng Cty CP xây lắp dầu khí VN PVX cho rằng: “Do việc thoái vốn phải tuân theo một số nguyên tắc, nhất là đảm bảo thu hồi tối đa vốn nhà nước (tức là không được bán thấp hơn giá trị sổ sách), cho nên, doanh nghiệp chần chừ, không dám bán dưới mệnh giá vì nếu bán ai sẽ chịu trách nhiệm phần hụt vốn? Chỉ khi niềm tin được khôi phục, nhà đầu tư lại đổ tiền vào chứng khoán, thì việc thoái vốn của doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn”.
Trong một hội thảo về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN từng than phiền “cái khó” của lãnh đạo tập đoàn khi thoái vốn là sợ bán rẻ cổ phần sẽ bị quy trách nhiệm làm thất thoát tài sản nhà nước, rơi vào lao lý.
Lãnh đạo một tổng công ty cho rằng: “Thoái vốn chỉ là tức thời, còn phát triển doanh nghiệp sau khi thoái vốn mới quan trọng. Vì những cơ chế, quy định bất cập nên nhiều lãnh đạo chưa an tâm khi chuyển giao.
Hơn nữa, doanh nghiệp bị chi phối bởi nhiều quan hệ, nhóm lợi ích. Không ít lo sợ thoái vốn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi. Chính điều này cản trở quá trình và phương án thoái vốn”.