Băn khoăn với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường

Ngày 17/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường”.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi với việc điều chỉnh một số nội dung quan trọng.

Một trong những nội dung chính sách được bổ sung mới tại dự thảo là “Mở rộng cơ sở tính thuế”. Trong đó, có quy định: “Bổ sung nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB”. Đồng thời, dự thảo đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới.

Theo báo cáo của CIEM, khi áp thuế TTĐB 10% đối với NGK có đường sẽ tác động tới nền kinh tế nói chung và ngành nước giải khát (NGK). Theo đó, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp NGK sẽ bị thu hẹp sau khi tăng thuế. Đồng thời, giá trị tăng thêm (VA) và giá trị sản xuất (GO) của nhóm ngành NGK đều giảm. Trong đó, giá trị tăng thêm giảm 0,772%, tương đương giảm 5.650 tỷ đồng.

Toàn cảnh buổi hội thảo

CIEM cũng cho rằng, việc áp thuế TTĐB này không chỉ tác động tới ngành NGK mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành. Ví như, tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,601% (tương đương 55.077 tỷ đồng), kéo theo sự sụt giảm về GDP ở mức 0,448%; nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế trực thu) sụt giảm 2.152 tỷ đồng.

Theo CIEM, năm đầu tiên áp thuế (năm 2026) nguồn thu từ thuế gián thu sẽ tăng 0,853%. Nhưng sau 1 năm, nguồn thu từ thuế gián thu bắt đầu suy giảm, khoảng 4.978 tỷ đồng/năm. Cùng với đó, việc áp thuế TTĐB 10% đối với NGK có đường dẫn tới tác động tiêu cực tới nền kinh tế

CIEM đề xuất chưa áp dụng thuế TTĐB đối với NGK có đường do thời gian qua, các doanh nghiệp NGK gặp khó khăn do dịch bệnh nên cần hỗ trợ phục hồi. Trong khi đó, nhiều dự luật khác như Luật thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đang được tổ chức lấy ý kiến. Nếu các dự luật này được thông qua, doanh nghiệp NGK sẽ cùng lúc chịu thêm nhiều sức ép lớn. Đó là chưa kể, nếu áp thuế TTĐB 10% đối với mặt hàng NGK có đường sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế trên nhiều khía cạnh như quy mô sản xuất, sản lượng, thu nhập, lao động và cả nguồn thu NSNN.

Các đại biểu góp ý tại hội thảo

CIEM đề xuất Cơ quan soạn thảo cần tổ chức tham vấn rộng rãi đối với các đối tượng chịu tác động bởi chính sách, giải trình rõ ràng, công khai đối với các ý kiến góp ý. Đồng thời, cần thực hiện đánh giá tác động toàn diện trên cơ sở khoa học và minh chứng thuyết phục. Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành NGK, cần tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới có lợi cho sức khoẻ và cấu trúc lại hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã nêu ý kiến về nội dung chính sách mới tại dự thảo Thuế TTĐB với mặt hàng NGK có đường. Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng Ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết, thời gian qua Ban Dân nguyện nhận nhiều ý kiến trái chiều và cả đồng thuận đối với việc áp thuế TTĐB với ngành hàng NGK có đường.

Theo bà Nhị Hà, việc áp thuế cần hướng tới điều tiết hành vi của người tiêu dùng quan trọng hơn là tăng thu ngân sách. Hơn nữa, cần làm rõ NGK có đường có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hay không; mục đích sử dụng nguồn thu này như thế nào...từ đó, mới quyết định nên áp thuế TTĐB với mặt hàng này hay không.

Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2022, tại Việt Nam có 400 doanh nghiệp sản xuất NGK và 2.100 doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ.