Trận chiến mở màn vào ngày 5/7/1943. Đức ban đầu tấn công ở phía nam Mátxcơva nhằm giành lại thế chủ động sau khi thất bại thảm hại ở Stalingrad đầu năm đó.
Nhưng cuộc tấn công của Đức nhanh chóng bị kìm hãm bởi các chiến thuật phòng thủ, sau đó là cuộc phản công của lực lượng vũ trang Liên Xô, đẩy kẻ thù đã suy yếu xa hơn về phía tây, mở đường để Hồng quân Liên Xô tiến vào Berlin và đánh bại chế độ Đức Quốc xã của Hitler.
Năm 2024, với cuộc tấn công lớn một lần nữa diễn ra ở tỉnh Kursk, miền tây nước Nga, một số nhà bình luận tự hỏi về những điểm tương đồng với quá khứ và cách chiến dịch của Kiev có thể định hình kết quả của cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện nay.
Cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk mang lại động lực tinh thần cần thiết cho quân đội và dư luận nước này, nhưng cũng là chủ đề của nhiều suy đoán.
Mục đích là chiếm lãnh thổ và bắt người Nga làm tù binh, để Kiev có vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán? Hay là để ép Nga phải điều quân khỏi khỏi tiền tuyến ở miền đông Ukraine, nơi họ đang tiếp tục giành được kết quả?
Mục đích cuộc tấn công của Đức vào Kursk năm 1943 cũng không rõ ràng.
Đức Quốc xã hy vọng chiến thắng ở Kursk sẽ xốc lại lực lượng và khôi phục niềm tin vào chiến thắng cuối cùng, sau khi niềm tin đó bị lung lay dữ dội ở Stalingrad.
Kế hoạch của Đức Quốc xã là triển khai một cuộc tấn công kép: Một ở phía bắc do tập đoàn lục quân số 9 thực hiện, được lệnh tiến về phía nam và liên kết với tập đoàn quân thiết giáp số 4, với nhiệm vụ mở đường về phía bắc từ khu vực Belgorod, cắt đứt quân đội Liên Xô ở nơi phòng thủ yếu.
Hitler đã điều động 777.000 quân, hơn 2.400 xe tăng và 2.000 máy bay. Vào thời điểm đó, lực lượng của Hitler đang chịu sức ép lớn ở Địa Trung Hải, bị không quân Anh và Mỹ tấn công từ trên cao, bị đe dọa tấn công từ phía tây, bị quân đội Liên Xô đè bẹp ở phía đông. Vì vậy, đó không phải là những nguồn lực mà Đức có thể thay thế.
Nói cách khác, trận đánh ở Kursk là một canh bạc lớn của Hitler. Nhưng bộ chỉ huy cấp cao của Đức Quốc xã thời điểm đó tin rằng đánh cược còn hơn chấp nhận tình cảnh bế tắc phòng thủ, hoặc thất bại chậm chạp ở mặt trận phía đông, khi quân Liên Xô đẩy lùi quân Đức từng kilomet.
Từ khi lập kế hoạch vào tháng 3, Đức Quốc xã mất vài tháng để xây dựng lực lượng. Liên Xô tranh thủ thời gian này để xây dựng hệ thống phòng thủ sâu rộng. Cách này cũng được Nga áp dụng để đối phó với chiến dịch phản công lớn của Ukraine trong mùa hè năm 2023.
Khi cuộc tấn công của Đức Quốc xã bắt đầu, quân Liên Xô đã sẵn sàng từ lâu và có hệ thống hào tốt.
Sự chuẩn bị này nhờ công lao lớn của điệp viên John Cairncross, người đã làm việc trong trung tâm mật mã Bletchley Park tại Anh, phục vụ việc giải mã cho phe Đồng minh. Cairncross đã chuyển cho Liên Xô bản giải mã các thông điệp được mã hóa của Đức, tiết lộ kế hoạch sẽ tấn công vào Kursk.
Việc Liên Xô phòng thủ sâu rộng đã cản trở nghiêm trọng cuộc tấn công của các đoàn xe thiết giáp Đức vào Kursk. Đến ngày 10/7, cuộc tấn công từ phía bắc bị chặn lại, và nỗ lực từ hướng nam kết thúc 1 tuần sau đó.
Đến ngày 12/7/1943, quân Liên Xô triển khai cuộc phản công ở phía bắc, buộc quân Đức phải rút lui.
Trận chiến trở thành bước ngoặt trên chiến trường phía đông. Dù Liên Xô hứng chịu tổn thất lớn, nhưng cỗ máy công nghiệp quân sự của họ hoạt động hết công suất. Hồng quân nhanh chóng chứng minh được khả năng tái thiết của mình. Trong khi đó, Đức Quốc xã không bao giờ có thể nắm quyền chủ động chiến lược chống lại Liên Xô nữa.
Tại Kursk, con đường đến Stalingrad trở thành con đường tiến đến Berlin.
Theo PGS Harry Bennett, nhà nghiên cứu ngành lịch sử tại Đại học Plymouth (Anh), còn quá sớm để khẳng định liệu cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk có tạo nên khác biệt mang tính quyết định đối với Kiev hay Mátxcơva hay không. Ông cho rằng ít nhất trong thời điểm hiện tại, có vẻ Kiev đang có lợi thế.