Chật vật kinh doanh kiếm từng đồng nhưng thờ ơ với hàng nghìn tỷ
Số liệu của Bộ Công Thương và EVN mới đây cho thấy, dù những năm gần đây, số doanh nghiệp có sự chuyển dịch trong đầu tư tiết kiệm năng lượng đã gia tăng nhưng thực tế cho thấy nhận thức chung về quản lý năng lượng của các doanh nghiệp ở Việt Nam chưa cao. Cùng với đó, chưa có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy, tạo động lực cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào tối ưu tiết kiệm năng lượng.
Số liệu của EVN cho thấy, hiện cả nước có gần 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, hầu hết là các cơ sở sản xuất công nghiệp. Mức tiêu thụ điện bình quân của các cơ sở này lên tới 72 tỷ kWh/năm, chiếm tới 33% tổng lượng tiêu thụ điện trên toàn quốc. Chỉ cần các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trọng điểm trên cả nước tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh, tương ứng số tiền tiết kiệm lên tới hơn 2.600 tỷ đồng.
Theo tính toán của EVN, việc chung tay sử dụng năng lượng tiết kiệm năng lượng hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp là hết sức quan trọng nếu đây là lực lượng chính, cùng với các nhóm ngành sản xuất khác, kéo việc thực hiện tiết kiệm điện tăng mạnh trong các năm tới.
Thực tế khuôn khổ pháp lý cho tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam tương đối đầy đủ nhưng thực tiễn triển khai chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do doanh nghiệp Việt Nam, đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa sẵn sàng bỏ ra các khoản chi phí lớn để đầu tư tiết kiệm năng lượng.
“Doanh nghiệp của chúng ta mới chủ yếu chạy theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận, chưa quan tâm nhiều đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Cùng đó, ý thức tuân thủ các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cũng chưa cao”, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho hay.
Theo ông Vũ, việc doanh nghiệp thờ ơ với tiết kiệm tiền của chính mình cũng một phần do trong luật hiện nay mới chỉ có hình thức khuyến khích doanh nghiệp chứ chưa có chế tài ràng buộc.
Tiết kiệm nghìn tỷ nhờ… tầm nhìn xa
Một trong những doanh nghiệp được nhắc đến nhiều nhất trên truyền thông thời gian vừa qua khi có ‘tầm nhìn’ trong việc đầu tư khép kín các quy trình sản xuất để tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm chính là trường hợp của Tập đoàn Hoà Phát.
Theo lãnh đạo tập đoàn này, những năm qua, việc áp dụng công nghệ thu hồi và sử dụng nhiệt dư, khí dư để phát điện giúp Hòa Phát tiết kiệm năng lượng, tự chủ điện cho sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, giải pháp này còn góp phần giảm tải áp lực điều độ hệ thống điện lưới quốc gia, nhất là những tháng nắng nóng cao điểm.
Ngay cả các dây chuyền sản xuất cũng được Hòa Phát xác định ‘nghiến răng’ đầu tư hiện đại của các nước G7 giúp tối ưu hóa sản xuất, tận dụng mọi nguồn nhiệt, khí dư thừa trong quá trình luyện than coke, luyện gang để nâng cao hiệu suất phát điện, tiết kiệm chi phí sản xuất tại các khu liên hợp.
Với cách tư duy rõ ràng và có chiều sâu như vậy, cũng không khó hiểu khi nhìn vào qủa ngọt mà tập đoàn này thu được từ việc tiết kiệm điện qua từng năm. Năm 2021, tổng lượng điện phát của các nhà máy điện nhiệt dư thuộc Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất đạt trên 2,4 tỷ kWh. Sản lượng điện này tương đương khoảng 3.900 tỷ đồng tiền điện không phải trả nếu mua điện của EVN (quy theo giá điện sản xuất hiện hành) đồng thời giúp Hòa Phát tự chủ 70-80% điện năng cho sản xuất.
Cùng cách tư duy và áp dụng giải pháp trên, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương cũng đã phát 700 triệu kWh trong năm 2021, tăng 55% so với năm 2020. Nhờ vậy, Khu liên hợp tự chủ được 80% lượng điện cho sản xuất, tương đương 1.148 tỷ đồng theo giá điện hiện hành của EVN.
Câu chuyện ‘người giàu’ sẽ càng ngày càng giàu hơn của Hoà Phát cũng được nhiều chuyên gia cho rằng, đây là bài học lớn để giúp các doanh nghiệp khác ở Việt Nam nhìn thấy những tiềm năng, cơ hội và quyết tâm đầu tư cho mục tiêu tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, kinh doanh.
Ở góc nhìn khác, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các chuyên gia ngành điện cũng chỉ ra những vấn đề liên quan đến việc hiện các doanh nghiệp chưa có đầy đủ thông tin về sự giám sát, phân tích, đo lường hiệu quả của việc tiết kiệm năng lượng. Sự thiếu thông tin, không sẵn sàng cho việc đầu tư để đổi mới quy trình sản xuất, chiến lược giảm phát thải… dẫn đến tình trạng hầu hết các doanh nghiệp đang thờ ơ với khoản tiền tiết kiệm từ điện năng ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm bị chính doanh nghiệp bỏ qua.
Lý giải cho tình trạng trên, ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, thời gian tới cần đưa ra các giải pháp để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, để làm được, cần các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy sử dụng tiết kiệm năng lượng tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh như chính sách ưu đãi đầu tư, vay vốn và lãi suất.
“Chúng ta có hẳn một Nghị định về xử phạt các hành vi không sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhưng việc triển khai, thanh kiểm tra việc thực thi các doanh nghiệp sản xuất trọng điểm cho thấy việc thực hiện vẫn còn rất hạn chế”, ông Nguyên nói.
“Việt Nam có hơn 2.900 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng tiêu thụ điện chiếm tới 33% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Nếu các cơ sở này tiết kiệm tối thiểu 2% điện năm tiêu thụ/năm, thì mỗi năm cả nước tiết kiệm được 1,4 tỷ kWh, tương đương 2.700 tỷ đồng. Với khách hàng sinh hoạt hộ gia đình, tiêu thụ hơn 30% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc. Nếu 27 triệu hộ gia đình có thể tiết kiệm 1% điện/năm tiêu thụ, cả nước sẽ tiết kiệm 630 triệu kWh, tương đương hơn 1.170 tỷ đồng”, Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm