GS, TS Nguyễn Gia Bình cho hay, trong môi trường đóng kín, thiếu ô-xy và tăng CO2. Khi trẻ thiếu ô-xy, CO2 tăng dần mà không có thông gió thì nguy cơ thiếu ô-xy rất cao, làm ảnh hưởng tới chuyển hóa của cơ thể. Tuy nhiên “Theo tôi được biết với thể tích xe lớn như thế thì khả năng thiếu ô-xy không lớn nên đây không phải là nguyên nhân chính dẫn tới việc tử vong của cháu bé”, GS Bình cho hay.
Theo GS Bình, nguy cơ lớn nhất dẫn tới việc tử vong của cháu bé là do bị sốc nhiệt. Trong môi trường bị đóng kín, nhiệt độ trong xe ô-tô tăng cao, sự tích lũy nhiệt trong ô-tô rất lớn và rất nhanh, vì vật liệu của xe bằng sắt, các dụng cụ bằng ghế da màu đen. Dù xe có được dán kính cách nhiệt nhưng vẫn hấp thụ nhiệt,
Đặc biệt các tế bào trong cơ thể cần có môi trường nhiệt độ nhất định, duy trì khoảng 37 độ C. nếu quá giảm dưới 35 độ C hoặc hơn 39 độ C sẽ ảnh hưởng tới chuyển hóa của các tế bào. Khi nhiệt độ tăng cơ thể đào thải nhiêt bằng cách bay hơi nước qua mồ hôi hoặc qua đường thở , hơi nước bay đi sẽ mang theo một lượng nhiệt làm giảm nhiệt độ toàn thân , ngược lại khi bị hạ thân nhiệt cơ thể sẽ co mạch ngoại vị , run ..để giữ lại nhiệt cho cơ thể
Mặt khác, trong trường hợp này, khi cháu bé ở trong xe một mình có thể gặp hoảng loạn về mặt tâm lý. Khi đó, việc tiêu thụ năng lượng của cháu bé còn nhiều hơn. Nguyên nhân khác nữa là cháu bé đã ăn sáng hay chưa? Nếu chưa ăn sáng, dẫn tới đói lả đi và có thể hạ đường huyết cũng có thể gây tử vong, GS Bình cho biết.
Yếu tố nguy cơ
Theo các bác sỹ, bất cứ ai cũng có thể bị sốc nhiệt, nhưng có một vài yếu tố làm tăng nguy cơ này như:
- Tuổi tác: Khả năng đối phó với nhiệt độ khắc nghiệt phụ thuộc vào sức chịu đựng của hệ thần kinh trung ương. Ở trẻ em, hệ thần kinh trung ương phát triển chưa đầy đủ và ở người lớn trên 65 tuổi, hệ thần kinh trung ương bắt đầu bị thoái hóa khiến cho cơ thể không đủ khả năng đối phó với sự thay đổi nhiệt độ cơ thể. Cả hai nhóm tuổi này thường gặp khó khăn trong việc giữ nước, nguy cơ sốc nhiệt tăng lên.
- Gắng sức trong thời tiết nóng: Huấn luyện quân sự và tham gia các môn thể thảo, ví dụ bóng đá, trong thời tiết nóng là một trong những tình huống có thể dẫn tới sốc nhiệt.
- Đột ngột tiếp xúc với thời tiết nóng: Rất có thể dễ mắc bệnh liên quan tới nhiệt nếu tiếp xúc với việc tăng đột ngột nhiệt độ.
- Một số loại thuốc: Một số loại thuốc ảnh hưởng tới khả năng giữ nước và đáp ứng với nhiệt của cơ thể. Trong thời tiết nóng, đặc biệt cẩn thận khi dùng thuốc gây co mạch, thuốc điều hòa huyết áp chẹn beta giao cảm, thuốc đào thải muối và nước của cơ thể (thuốc lợi tiểu), hoặc thuốc làm giảm các triệu chứng tâm thần (thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống loạn thần). Các chất kích thích bất hợp pháp như amphetamine và cocaine cũng khiến bạn dễ bị sốc nhiệt hơn.
Một số bệnh mạn tính như bệnh tim hoặc bệnh phổi có thể làm tăng nguy cơ sốc nhiệt: Một số tình trạng khác như béo phì, ít vận động và có tiền sử sốc nhiệt trước đây cũng có thể làm tăng nguy cơ sốc nhiệt.
Các biểu hiện khi bị sốc nhiệt
Người bị sốc nhiệt hay say nắng thường có các biểu hiện như: Sốt cao (39 – 40 độ C); đau đầu, choáng váng; buồn nôn hoặc nôn; nóng bừng mặt; hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, ngất xỉu..
Một số trường hợp không ra mồ hôi, nhưng có trường hợp ra mồ hôi đầm đìa (do sốc nhiệt đến muộn), đôi khi có hiện tượng chuột rút. Những trường hợp bị sốc nhiệt nặng thường sốt rất cao, chóng mặt, ngất xỉu, lú lẫn hoặc nặng hơn là co giật, thở nhanh, khó thở, hôn mê, trụy tim…Những trường hợp này cần cấp cứu kịp thời để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Cần được cấp cứu ngay
Sốc nhiệt cần được điều trị cấp cứu, vì nếu không điều trị kịp thời có thể nhanh chóng gây tổn thương não, tim, thận và cơ. Tổn thương càng nặng nếu điều trị càng muộn, làm tăng nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng và tử vong. Thể nhẹ hơn của sốc nhiệt được gọi là kiệt sức vì nhiệt/lả nhiệt, là một tình trạng mà triệu chứng có thể bao gồm ra mồ hôi nhiều và mạch nhanh là do cơ thể quá nóng. Lả nhiệt là một trong ba hội chứng liên quan tới nhiệt, trong đó chuột rút do nhiệt là hội chứng nhẹ nhất và sốc nhiệt là hội chứng nặng nhất.
UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tổ chức họp báo để thông tin về vụ học sinh lớp 1 trường Gateway Lê Hoàng L. tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe buýt của trường Gateway.
Tại cuộc họp báo, bà Phan Thị Hà - Chánh văn phòng UBND quận Cầu Giấy, cho biết: Qua trao đổi với các bác sĩ bệnh viện E, được biết cháu Lê Hoàng L. được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng thân thể tím tái, đồng tử giãn, phản xạ ánh sáng không còn, mạch không, huyết áp không.
"Sau 30 phút tiến hành cấp cứu không có kết quả, các bác sĩ thông báo cho gia đình là cháu đã tử vong", bà Hà cho biết.