Bắc Ninh cơ bản giải quyết lượng rác thải rắn sinh hoạt

TPO - Đến nay, 4 nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng ở tỉnh Bắc Ninh đã hoạt động, giải quyết cơ bản lượng chất thải rắn sinh hoạt, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã coi trọng công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Phóng viên báo Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Thọ - Phó Trưởng phòng Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh) về xử lý rác thải sinh hoạt ở Bắc Ninh.

Ông có thể cho biết về kết quả nổi bật trong việc xử lý rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường của tỉnh Bắc Ninh?

Đến nay, 100% các thôn, xóm, khu phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập tổ, đội thu gom rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày từ hộ gia đình đến điểm tập kết và vận chuyển về Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng xử lý.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, qua đó phân luồng thu gom rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày của các huyện, thị xã, thành phố về các nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng.

Hiện nay, 4/4 Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng ở tỉnh Bắc Ninh đã đi vào vận hành thử nghiệm và hoạt động, giải quyết cơ bản lượng chất thải rắn sinh hoạt tồn đọng nhiều năm cũng như chất thải phát sinh hàng ngày trong toàn tỉnh, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững.

Đối với các khu công nghiệp (KCN) tập trung, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quy chế phối hợp một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong các KCN tỉnh. 11/12 KCN đi vào hoạt động bảo đảm môi trường theo quy định, KCN Hanaka đang hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung (do vướng mặt bằng trong quá trình triển khai thi công).

Bắc Ninh cơ bản giải quyết chất thải rắn sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Thắng

Tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện những giải pháp gì trong việc xử lý rác thải sinh hoạt, thưa ông?

Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt gây ra, đặc biệt là tại các địa phương chưa có nhà máy xử lý chất thải tập trung, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm phân bổ hài hoà, hợp lý lượng rác từ các địa phương về các nhà máy đốt rác công nghệ cao phát năng lượng, đáp ứng đủ công suất xử lý.

Cụ thể, toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày tại các địa phương: Thị xã Thuận Thành, huyện Tiên Du và thành phố Từ Sơn sẽ được thu gom, vận chuyển về Nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao phát năng lượng tại xã Ngũ Thái, thị xã Thuận Thành thuộc Công ty TNHH năng lượng xanh T&J để xử lý;

Toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày tại huyện Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài sẽ được thu gom, vận chuyển về Nhà máy điện rác Lương Tài thuộc Công ty TNHH năng lượng mới EU-Conch Venture Bắc Ninh làm chủ đầu tư xử lý;

Toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày tại thị xã Quế Võ và TP Bắc Ninh sẽ được thu gom, vận chuyển về nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao phát năng lượng tại xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ thuộc Công ty Cổ phần môi trường Năng lượng Thăng Long để xử lý.

Tỉnh Bắc Ninh gặp phải những khó khăn gì trong việc xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, thưa ông?

Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường còn tồn tại và khó giải quyết nhất của tỉnh Bắc Ninh là khu vực cụm công nghiệp, làng nghề, mặc dù HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quy định một số chính sách đầu tư, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Do tập tục sản xuất nằm xen kẹp trong dân; công nghệ sản xuất lạc hậu; hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên ô nhiễm môi trường khu vực này chưa được kiểm soát triệt để, nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường cao, cần được tập trung giải quyết, đặc biệt là tại làng nghề giấy Phong Khê, CCN Phú Lâm và xã Văn Môn. Hiện tỉnh Bắc Ninh đang quyết liệt xử lý ô nhiễm môi trường ở làng nghề giấy Phong Khê, CCN Phú Lâm và xã Văn Môn.

Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh kiểm tra môi trường đối với các cơ sở sản xuất ở làng nghề giấy Phong Khê (thành phố Bắc Ninh).

Theo ông, tỉnh Bắc Ninh cần sự hỗ trợ gì từ Trung ương trong vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường?

Trung ương kịp thời chủ trì giải quyết những vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh giữa các địa phương, ban hành quy trình công tác kiểm tra về bảo vệ môi trường; các bộ có liên quan tiếp tục tổ chức giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với chủ đầu tư và các cơ sở hoạt động trong CCN Phú Lâm, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du và CCN Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong theo kế hoạch.

Cơ quan Trung ương tăng cường tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý môi trường cấp địa phương, đặc biệt đối với công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

Trung ương hoàn thiện các hệ thống chính sách về bảo vệ môi trường, đặc biệt là quy định quản lý chất thải rắn thông thường; định hướng giải pháp, công nghệ xử lý rác thải, nước thải và khuyến cáo cho các địa phương trong quá trình lựa chọn, sử dụng phù hợp với thực tế.

Chính phủ cho phép Bắc Ninh chỉ định đơn vị xử lý chất thải rắn tồn đọng làng nghề lâu năm tại xã Văn Môn, làm cơ sở xây dựng định mức, đơn giá lập dự án xử lý và triển khai thực hiện. Cơ quan Trung ương xây dựng, ban hành định mức đơn giá thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp để có cơ sở xây dựng đơn giá xử lý chất thải rắn tồn đọng ở làng nghề tái chế Văn Môn và chất thải của các làng nghề khác.

Cảm ơn ông!