Bắc Ninh chuẩn bị hạ tầng để đón ‘đại bàng’ FDI đến đầu tư

TPO - Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh nổi lên là một trung tâm phát triển công nghiệp lớn của cả nước với sự góp mặt của hàng loạt “ông lớn” FDI đến ‘làm tổ’. Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Khắc Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh về hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

Là một trung tâm lớn về sản xuất của cả nước, ông có thể cho biết thực trạng thu hút và phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Bắc Ninh hiện nay?

Công nghiệp hỗ trợ được tỉnh đặc biệt quan tâm phát triển. Từ rất sớm, Bắc Ninh đã ban hành các quy hoạch phát triển cũng như các chính sách và chương trình cho phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng, tạo việc làm cho hơn 80.000 lao động, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực lắp ráp sản phẩm điện tử và cơ khí và chiếm khoảng 10% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh.

Tuy vậy, theo đánh giá của ngành Công Thương, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng và lợi thế. Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn Bắc Ninh tham gia vào chuỗi cung ứng còn ít và chưa sâu. Nguyên nhân do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nguồn lực về tài chính, con người còn hạn chế, chưa có sự liên kết, thiếu thông tin về thị trường…

Ông Phạm Khắc Nam – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh

Có thể thấy tỉnh đã nhận diện được những vấn đề nội tại trong phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Vậy, chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trọng tâm của tỉnh là sẽ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, hình thành trung tâm điện tử hàng đầu Việt Nam gắn với công nghệ thông minh. Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa để trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh và của cả nước. Để đạt được các mục tiêu này, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những nội dung quan trọng.

Ngành công thương tỉnh Bắc Ninh xác định chủ trương phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có thế mạnh dựa trên nhu cầu phát triển của doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Bắc Ninh đến năm 2030, trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và định hướng đến năm 2045 là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.

Theo đó, Bắc Ninh sẽ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước; đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp lắp ráp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng sẽ thúc đẩy liên kết với các tỉnh lân cận có lợi thế phát triển công nghiệp như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn.

Bắc Ninh luôn sẵn sàng hạ tầng để đón các 'đại bàng' đến đầu tư

Chuẩn bị hạ tầng để đón đại bàng FDI đến đầu tư

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, tỉnh cần thêm cơ chế gì từ Trung ương và từ chính bản thân tỉnh Bắc Ninh?

Để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ, Luật Phát triển công nghiệp cần sớm được Quốc hội ban hành đồng thời sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về Phát triển công nghiệp hỗ trợ để phù hợp hơn với thực tiễn phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cùng đó, cần mở rộng sự liên kết trong đào tạo giữa các trường đại học trong nước và các trường có uy tín trên thế giới; đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo để nâng cao dần chất lượng nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Tỉnh Bắc Ninh cũng sẽ đẩy nhanh việc hình thành không gian cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, thực hiện tốt các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Trước mắt sẽ tiếp tục triển khai quyết định của UBND tỉnh về quy chế quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ và quy định mức chi cụ thể các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn.

Để đón đầu các 'đại bàng' đến làm tổ, tỉnh Bắc Ninh đã có chính sách gì về phát triển hạ tầng, cơ chế thu hút công nghiệp hỗ trợ?

Để phát triển hạ tầng tạo cơ chế thu hút công nghiệp hỗ trợ,UBND tỉnh Bắc Ninh đã sớm ban hành Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 30/6/2015 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định mục tiêu cụ thể về phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh và chú trọng vào 3 ngành chính là điện - điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao.

Tỉnh Bắc Ninh cũng đã có định hướng hình thành cụm công nghiệp công nghiệp hỗ trợ và xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc 3 ngành trọng điểm trên. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập 2 cụm công nghiệp với định hướng thu hút đầu tư trọng tâm vào các ngành công nghiệp hỗ trợ. Một số cụm công nghiệp khác trên địa bàn cũng định hướng thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo Quy hoạch tỉnh, giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục định hướng thành lập mới 8 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 485 ha trong đó 5 cụm công nghiệp định hướng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh các chính sách ưu đãi chung theo quy định của Nhà nước về thuế, tiền thuê và sử dụng đất, tỉnh Bắc Ninh cũng ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư đặc thù như thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý và xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo lao động chất lượng cao; thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận lợi nhằm tiếp tục củng cố niềm tin cho doanh nghiệp vào đầu tư.

Cảm ơn ông!