>> Máy bay tiêm kích RAF Tornado bắn tan xe tăng Libya
>> Không quân Libya bị đánh bại, Gaddafi đang tị nạn?
Giờ đây người ta cũng biết rằng lập trường của ông Obama thay đổi hẳn vào tối 8-3, trong cuộc họp khẩn cấp tại Nhà Trắng bàn về cuộc khủng hoảng ở Libya, khi tình hình đã trở nên cực kỳ căng thẳng. Tham gia cuộc họp này có những nhân vật chóp bu của giới thượng lưu chính trị và ngoại giao Mỹ. Cả hai phía - phía chủ trương can thiệp và phía phản đối - đều trình bày các lý lẽ của mình.
Phó Tổng thống Joe Biden và đặc biệt là nữ Ngoại trưởng Hillary tham dự cuộc họp qua điện thoại, đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ việc tiến hành hoạt động quân sự. Ngoài ra, hai nữ cố vấn của ông Obama là bà Susann Rice và bà Samantha Power cũng theo lập trường này.
Chính bộ ba này đã đẩy lui lập luận của phái không can thiệp và thuyết phục được Tổng thống Obama quyết định ném bom Libya. Chẳng hạn bà Samantha Power đã lên tiếng chỉ trích gay gắt chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm trước đây và khẳng định Mỹ đã can thiệp không đủ mạnh để ngăn chặn những cuộc chiến tranh diệt chủng ở Bosnia và Ruwanda, vì vậy giờ đây Mỹ phải sửa chữa sai lầm đó.
Bộ ba Hillary Clinton, Susann Rice, Samantha Power đã đẩy lui lập luận của phái không can thiệp và thuyết phục được Tổng thống Obama quyết định ném bom Libya.
Phía phản đối cuộc chiến gồm Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, Cố vấn An ninh quốc gia Tom Donilon và Phó Cố vấn An ninh quốc gia Denis McDonough. Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates lo ngại nếu can thiệp quân sự vào Libya thì nhân lực và tài lực của Mỹ sẽ bị phân tán hơn nữa trong khi chưa giải quyết dứt điểm được việc sa lầy ở Iraq và Afghanistan.
Hơn nữa, cũng theo ý kiến của Robert Gates, tất cả các kịch bản chiến lược ở Libya còn quá mơ hồ. Nhưng rút cuộc, Tổng thống Obama đã đồng ý với chủ trương can thiệp vào Libya bằng sức mạnh. Ông lập luận rằng, Libya là nước đang ở trung tâm những thay đổi lớn lao tại Cận Đông.
Theo nhận định của các nhà phân tích, điều này cũng cho thấy mối bất đồng cố hữu giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn còn tồn tại và phần thắng lại một lần nữa thuộc về Bộ Ngoại giao.
Như vậy, cũng như Tổng thống Bill Clinton có cuộc chiến tranh Nam Tư, Tổng thống George Bush có cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan, thì giờ đây, theo ý kiến của tờ báo Đức Die Welt, Tổng thống Barack Obama cũng đã có cuộc chiến tranh của riêng mình.
Nhưng xem ra ông Obama vẫn lưỡng lự. Chẳng thế mà ông đã trao vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống Libya cho Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và đang tìm cách chuyển vai trò chỉ huy cuộc chiến cho khối NATO. Rất có thể ông e ngại sẽ phải mang tiếng là “Tổng thống chiến tranh” như người tiền nhiệm Bush và tệ hại hơn nữa, sẽ bị sa lầy như ông Bush đã từng bị sa lầy ở Iraq và Afghanistan.
Vũ Việt
Theo Die Welt