> Bố thủ khoa sống trong ống cống kiếm tiền nuôi con
Với 22,5 điểm, trong đó Lịch sử 8,5 điểm, Địa lý 8, Văn 6 (tổng cả điểm cộng ưu tiên thành 26 điểm), chị Hiện trở thành thủ khoa ĐH Quảng Nam chuyên ngành Giáo dục tiểu học, là niềm tự hào của bản làng.
Tay bồng con, tay cầm sách
Khi chúng tôi hẹn gặp, Pơloong Hiện vẫn còn miệt mài trên rẫy cùng mẹ chồng, đến cuối ngày mới về tới nhà. Vừa bồng con, chị Hiện vừa rót nước mời khách, miệng cười. Công việc thường nhật của chị là lên rẫy, lo việc gia đình, chăm con.
“Nhiều hôm đang học con thức giấc khóc, lại chuyển tư thế “học nằm”, vừa ôm con vừa đọc sách”
Chị Pơloong Hiện
Tốt nghiệp THPT năm 2010, Pơloong Hiện theo học ĐH dự bị Dân tộc Nha Trang. Chị phải nghỉ giữa chừng để chạy chữa bệnh thận. 19 tuổi, cũng như bao thiếu nữ Cơtu khác, Hiện kết hôn cùng Bhling Ưi, trước là bạn học cấp ba. Một bé trai kháu khỉnh ra đời. Về làm dâu nhà chồng, một tay chăm con, làm việc nhà, lên nương làm rẫy nhưng ước mơ trở thành cô giáo ấp ủ bao lâu vẫn cháy bỏng trong lòng người mẹ trẻ. Sau nhiều trăn trở, chị Hiện quyết định nói với chồng ý định thi lại đại học. “Ban đầu mình không đồng ý, bảo đi học rồi thì ai lo việc nhà, chăm con. Nhưng thấy Hiện chăm chỉ ôn thi, có hôm thức tới 3 giờ sáng nên mình cũng chiều ý vợ” – anh Bhling Ưi tâm sự.
Ban ngày, chị Hiện làm tròn bổn phận của người dâu, cùng ba mẹ lên rẫy, chăm con. Tối đến, khi con ngủ chị mới lần tay tới sách vở. “Nhiều hôm đang học con thức giấc khóc, lại chuyển tư thế “học nằm”, vừa ôm con vừa đọc sách” - chị Hiện kể. Hai tháng cuối cùng chị Hiện xuống Tam Kỳ tập trung ôn thi nên con cũng cai sữa khi vừa tròn 1 năm tuổi.
Tài liệu ôn thi cũng không nhiều, chị dùng lại sách vở cũ và sách của cô em chồng Bhling Tuyết. Chị luôn cố gắng nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, phân tích, suy luận theo từng vấn đề. Vì không có thời gian nên lúc nào chị cũng phải tranh thủ học, nhẩm nhớ cả lúc bồng con hay làm việc nhà. Với chị, chồng con trở thành động lực để nỗ lực hơn, lúc nào mệt quay sang nhìn con no giấc mọi mệt mỏi lại tan biến.
“Vậy là ước mơ trở thành cô giáo của mình sắp thành hiện thực. Mình sẽ cố gắng học thật tốt để mai này trở về dạy chữ cho các em trong bản” – Nói rồi chị Hiện ôm con vào lòng, hôn lên trán khiến cậu bé cười sằng sặc.
Cả nhà cùng học
Ông Bhling Ơn, bố chồng chị Hiện không giấu được niềm vui, tự hào khi biết con dâu đậu thủ khoa, vì đó còn là vinh dự của cả phố núi và người đồng bào Cơtu. Cho nên dù nghèo mấy cũng phải cố gắng cho con tròn mơ ước. Ở phố núi Nam Giang này, gia đình ông Ơn thuộc gia đình hiếu học. Hiện, 4 người con của ông đều đang theo học đại học, cao đẳng. Cách đây hai năm ông Ơn mới nhận bằng tốt nghiệp THPT. Trước, ông làm Bí thư Đoàn xã, rồi Phó Chủ tịch UBND xã Tà Pơ, hiện đương chức Phó Bí thư Đảng ủy xã Tà Pơ.
Chỉ vào bức tường gỗ kín những giấy khen, bằng khen, ông gật gù: “Xưa đói khổ nên học ít quá, giờ học bù”.
Chồng chị Hiện, Bhling Ưi đang làm cán bộ văn phòng ở UBND xã, nhưng vẫn tranh thủ theo học văn bằng 2 ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Những ngày này, cả gia đình đều tất bật cho việc chuẩn bị nhập học. Cậu con trai 16 tháng tuổi tập xa hơi mẹ, ngủ với bà nhưng vẫn cười toét.