Israel vận hành một loạt hệ thống để ngăn chặn các cuộc tấn công từ mọi loại tên lửa đạn đạo, từ các loại tên lửa bay ra khỏi bầu khí quyển cho đến các tên lửa hành trình và tên lửa tầm ngắn.
Theo phân tích của giới chuyên gia quân sự, mạng lưới phòng thủ được quân đội Israel xây dựng trong nhiều năm qua thực chất bao gồm ba loại hệ thống phòng không tạo nên, được sử dụng để ngăn và đánh chặn các loại mối đe dọa khác nhau từ bên ngoài bắn tới nhằm giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người dân.
Ngoài Iron Dome (Vòm Sắt) nổi tiếng, hai hệ thống phòng không còn lại được đặt tên là “David's Sling” và “Arrow 2 and 3” (Mũi tên 2 và 3).
Người ta thường quan tâm nhiều đến hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt) do mức độ hiệu quả ấn tượng của nó. Iron Dome chủ yếu chịu trách nhiệm đối phó các cuộc tấn công tầm thấp và tầm gần, chống lại các tên lửa tầm ngắn có tầm bắn từ 4 đến 70 km và độ cao dưới 10 km.
Ban đầu, Iron Dome được thiết kế để chống lại các mối đe dọa từ lực lượng Hamas. Với việc nhu cầu tăng lên, quân đội Israel không ngừng tăng cường khả năng của Iron Dome, thậm chí phát triển một phiên bản dành riêng cho hải quân, có thể bảo vệ tàu chiến khỏi các mối đe dọa.
Hệ thống của Iron Dome sau khi nâng cấp có thể tự động xác định xem tên lửa hoặc máy bay không người lái xâm nhập có nhắm tới khu cư xá hay khu dân cư đông đúc hay không. Nếu điểm vũ khí đối phương đáp xuống dự kiến là khu vực không có người ở, nó sẽ không chặn chúng.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Phòng thủ Tên lửa Israel (IMDO), Iron Dome chỉ là lớp dưới cùng trong hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng của Israel và không phải là hệ thống chính được sử dụng để chống lại các tên lửa đạn đạo được phóng vào tối 1/10 vừa qua.
Hệ thống phòng không David's Sling là tầng thứ hai của mạng lưới phòng không được phát triển thông qua sự hợp tác Mỹ-Israel. David's Sling, giúp chống lại các mối đe dọa tầm trung.
David's Sling là một dự án chung giữa công ty RAFAEL Advanced Defense System của Israel và tập đoàn quốc phòng khổng lồ Raytheon của Mỹ, sử dụng các tên lửa đánh chặn Stunner và SkyCeptor để tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách xa tới 286 dặm (460 km), theo Dự án Mối đe dọa Tên lửa tại CSIS.
Hệ thống này được thiết kế đặc biệt để đánh chặn các tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 100 đến 300 km và độ cao bay dưới 15 km. Đây là hệ thống do Mỹ và Israel hợp tác phát triển. Ngoài khả năng đánh chặn tên lửa, nó còn có thể đánh chặn máy bay có người lái, máy bay không người lái hoặc tên lửa hành trình.
Lớp tiếp theo, phía trên David's Sling, là hệ thống Arrow 2 and 3 do Israel hợp tác với Mỹ phát triển. Hệ thống phòng không này được thiết kế để xử lý các tên lửa tầm trung và tầm xa, dùng để đánh chặn các mục tiêu bên ngoài tới trong và ngoài bầu khí quyển. Do đối thủ tiềm năng hiện tại của Israel, chỉ có Iran mới có khả năng như vậy, nên khiến thế giới bên ngoài cho rằng hệ thống này ra đời để ứng phó Iran.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn của Mỹ, tên lửa Arrow-2 sử dụng đầu đạn phân mảnh để tiêu diệt tên lửa đạn đạo đang lao tới trong giai đoạn cuối – tức khi chúng đang lao tới mục tiêu ở tầng trên bầu khí quyển. Arrow-2 có tầm bắn 90 km và độ cao tối đa 51,5 km. Arrow-2 được coi là bản nâng cấp của hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ mà Israel từng sử dụng trong vai trò này.
Trong khi đó, tên lửa Arrow-3 sử dụng công nghệ tấn công để đánh chặn tên lửa đạn đạo đang bay tới trong không gian, tức trước khi chúng quay trở lại bầu khí quyển trên đường tới mục tiêu. Arrow-3 cho phép đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa của đối phương. Việc đánh chặn ở ngoài rìa khí quyển giúp giảm ảnh hưởng của các loại đầu đạn sinh - hóa - hạt nhân tới mục tiêu được bảo vệ trên mặt đất.
Theo giới thiệu của nhà sản xuất IAI, tổ hợp Arrow-3 có hiệu suất và tỷ lệ đánh chặn tốt hơn so với các thế hệ phòng thủ tên lửa trước đó nhờ việc sử dụng cảm biến quang - hồng ngoại thế hệ mới. Đầu đạn dạng này cho phép đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa của đối phương khi nó vừa tiếp cận trở lại bầu khí quyển Trái đất.
Về cơ bản, tổ hợp Arrow-3 chính là phiên bản nâng cấp của tổ hợp tên lửa đánh chặn trước đó Arrow-2. Điểm ưu việt của Arrow-3 là nó được thiết kế đánh chặn các đạn tên lửa của đối phương ở độ cao tới 100km và kết cấu hệ thống nhỏ gọn hơn.
Nhưng để đạt được tỷ lệ đánh chặn cao như vậy, Israel cũng phải trả một cái giá rất đắt. Ông Aminok, người từng là cố vấn tài chính cho Bộ Tổng tham mưu Israel, cho biết: Giá thành của mỗi đạn tên lửa đánh chặn Arrow-3 ước tính tới 2,2 triệu USD; chi phí của mỗi tên lửa đánh chặn Arrow-2 là khoảng 3,5 triệu Shekel mới (ILS) (khoảng 936 ngàn USD) và mỗi tên lửa David's Sling chịu trách nhiệm đối phó với tên lửa tầm trung có giá 1 triệu ILS (khoảng 267.425 USD), cộng với chi phí huy động các máy bay chiến đấu khác.
Tính ra, chỉ một đêm hoạt động phòng thủ hôm 1/10, Israel có thể đã tiêu tốn khoảng 4 đến 5 tỷ ILS (tức từ khoảng 1,069 tỷ USD đến 1,337 tỷ USD) cho việc đánh chặn các tên lửa của Iran, nhưng có vẻ cả ba hệ thống này đều bất lực trước các tên lửa siêu thanh Fattah-2 của Iran.