Ba cách giảm tác hại bia, rượu

TP - Qua theo dõi các bài viết, hầu như chỉ thấy nói về tác hại của bia, rượu, nhất là sau cái chết của 6 người do ngộ độc rượu.

Đúng, nếu uống rượu, bia quá mức sẽ làm tổn hại tinh thần, sức khỏe, kinh tế… không chỉ cho người uống, mà còn gây ra những hệ lụy cho gia đình và xã hội như: Làm gia tăng bạo lực gia đình, gây mất an ninh trật tự xã hội, làm gia tăng tai nạn giao thông, gây tình trạng quá tải cho bệnh viện… Do đó, sẽ làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Hiện nay tình trạng sử dụng rượu bia đã trở nên phổ biến từ thành thị đến nông thôn. Điều nguy hiểm là độ tuổi và giới tính sử dụng rượu bia đã có nhiều thay đổi. Nếu như trước kia người sử dụng rượu bia đa số đã là người trưởng thành, là nam giới. Thì nay, số thanh, thiếu niên và nữ giới uống rượu bia tương đối phổ biến.

Để chấm dứt tình trạng uống rượu bia là không thể, vì việc sử dụng rượu bia có từ lâu đời, trở thành phong tục của dân tộc ta. Vậy, chúng ta phải có biện pháp làm giảm thiểu tác hại của rượu bia. Tôi xin đưa ra một số giải pháp sau:

Một là, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và nhất là gia đình phải tăng cường tuyên truyền về tác hại của rượu bia và có những quy chế, quy định để hạn chế việc sử dụng rượu bia.

Năm 2007, Đoàn Thanh niên Quân khu 1 tổ chức diễn đàn thanh niên với chủ đề “Rượu - Văn hóa, sức khỏe và tác hại” ở tất cả các cấp bộ Đoàn, nhất là ở cơ sở. Diễn đàn đã thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia và đã đạt được kết quả tích cực. Tình trạng sử dụng rượu bia trong ĐVTN sau diễn đàn giảm rõ rệt, do vậy những hệ quả của rượu bia như cắm ký nợ hàng quán, gây gổ mất đoàn kết, mất an toàn giao thông… trong cán bộ, ĐVTN lực lượng vũ trang (LLVT) quân khu giảm hẳn.

Hiện nay, các cơ quan, đơn vị trong LLVT có quy định cán bộ, chiến sĩ không được sử dụng rượu bia buổi sáng, buổi trưa, trong giờ hành chính và không được uống rượu bia say. Điều đó có tác dụng to lớn trong giảm thiểu tác hại của rượu bia. Thiết nghĩ, tất cả các cơ quan, đặc biệt là chính quyền địa phương cơ sở cần có những quy định phù hợp trong việc sử dụng rượu bia.

Chẳng hạn, hiện nay đã có quy định và chế tài xử lý trong việc sử dụng thuốc lá nơi công cộng; nhiều địa phương quy định không sử dụng trong tiệc cưới, các đôi khi đăng ký kết hôn đều phải làm cam kết không sử dụng và phải nộp một khoản tiền đặt cọc, nếu đám cưới đó không sử dụng thuốc lá thì được trả lại số tiền đó, nếu có sử dụng thì số tiền đó sẽ bị sung vào công quỹ. Các địa phương cũng nên áp dụng vào quy định, nếu đám cưới có ai uống rượu say hoặc gây gổ mất đoàn kết thì thu số tiền đó sung công quỹ.

Hai là, phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chính quyền và gia đình.

Đây là giải pháp rất quan trọng. Hiện nay các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và tất cả cán bộ, đảng viên đang đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ở đâu người đứng đầu là tấm gương sáng cho cấp dưới noi theo thì ở đó trên dưới đồng thuận, sẽ rất ít có các tệ nạn nói chung, tệ uống rượu bia nói riêng.

Ba là, chính quyền địa phương và các cấp, các ngành có liên quan phải tăng cường quản lý, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh rượu bia. Việc sản xuất, kinh doanh rượu giả hiện nay diễn biến rất phức tạp, do vậy cần kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Trần Kim Hưng
HT 2NA - 1355 Chi Lăng - Lạng Sơn

Theo Báo giấy