> 'Hình sự hóa' tranh chấp kinh tế
Hôm qua, TAND tỉnh Thanh Hóa xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ việc tranh chấp kinh tế giữa nguyên đơn Ngân hàng Phát triển Việt Nam (ủy quyền Chi nhánh Thanh Hóa) và bị đơn là Cty TNHH Tây Đô (ở phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa).
Hai bên cùng... thua kiện
Theo trình bày từ phía nguyên đơn, tháng 10/2012, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Cty Tây Đô cùng thực hiện dự án Trường tiểu học và trung học cơ sở dân lập Thanh Hoa. Đây là dự án do Cty Tây Đô làm chủ đầu tư, với số vốn giai đoạn 1 hơn 175 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai dự án, phía VDB cho rằng, Cty Tây Đô đã nhiều lần vi phạm cam kết trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay đã được hai bên thống nhất, thông qua. Cụ thể, phía ngân hàng cáo buộc doanh nghiệp vi phạm cam kết trả nợ, lãi theo hợp đồng, de dọa đến nguồn vay của ngân hàng. Trước thực tế đó, ngân hàng đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở doanh nghiệp, nhưng bị phớt lờ. Do đó, ngân hàng đã dừng giải ngân.
Tòa sơ thẩm tuyên buộc Cty Tây Đô phải hoàn trả VDB tiền gốc và lãi hơn 109 tỷ đồng đã đầu tư giai đoạn 1. Bên cạnh đó, Tòa cũng cho rằng, phía ngân hàng đã vi phạm hợp đồng tín dụng khi dừng giải ngân vô cớ, qua đó, phải bồi thường cho doanh nghiệp hơn 26 tỷ đồng.
Về phần mình, phía Cty Tây Đô khẳng định, doanh nghiệp không vi phạm hợp đồng tín dụng đã ký kết trước đó “Việc ngân hàng khẳng định chúng tôi không đảm bảo khối lượng trong quá trình triển khai dự án, do đó, dừng giải ngân là thiếu cơ sở. Bởi tính đến thời điểm dừng giải ngân, chúng tôi đã đảm bảo hơn 44% khối lượng đối ứng, trong khi đó, hợp đồng tín dụng giữa hai bên đã khẳng định rõ, phía ngân hàng chiếm 70%, còn lại là của chúng tôi” – đại diện Cty Tây Đô nêu rõ.
Sau khi xem xét toàn diện vụ án, Tòa sơ thẩm tuyên buộc Cty Tây Đô phải hoàn trả VDB tiền gốc và lãi hơn 109 tỷ đồng đã đầu tư giai đoạn 1. Bên cạnh đó, Tòa án cũng cho rằng, phía ngân hàng đã vi phạm hợp đồng tín dụng khi dừng giải ngân vô cớ, qua đó, phải bồi thường cho doanh nghiệp hơn 26 tỷ đồng.
Đồng loạt chống án
Với bản án trên, cả 3 bên (ngân hàng, doanh nghiệp và viện kiểm sát) đều chống án với những lý do khác nhau.
Phía ngân hàng cho rằng, HĐXX sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi không đưa quan điểm của luật sư vào bản án, cũng như áp dụng sai pháp luật. Phía bị đơn lại cho rằng, việc tòa án quy kết doanh nghiệp phải hoàn trả hơn 109 tỷ đồng tiền gốc, lãi của dự án là sai. Bởi, trong quá trình khởi kiện cũng như xét xử, phía VDB không hề yêu cầu tòa tuyên bố chấm dứt hợp đồng hay đình chỉ thực hiện hợp đồng. Do đó, hợp đồng tín dụng giữa VDB và Cty Tây Đô đương nhiên vẫn còn hiệu lực, và ngân hàng buộc phải tiếp tục giải ngân.
Phía Viện KSND TP Thanh Hoá cũng cho rằng, bản án sơ thẩm chưa chứng minh rõ ràng số tiền bồi thường 26 tỷ đồng của phía ngân hàng, do đó cơ quan này đã có văn bản kháng nghị.
Quá trình xét xử ở phiên phúc thẩm, các bên căn bản giữ nguyên quan điểm, riêng phía đại diện cơ quan công tố xin rút một phần nội dung kháng nghị về khoản tiền bồi thường buộc ngân hàng trả cho doanh nghiệp.
Dự kiến hôm nay, HĐXX sẽ tuyên án.