Các bộ trưởng nhắc lại các cam kết trước đây về phòng chống tham nhũng tại từng nền kinh tế và trên toàn cầu, bao gồm Tuyên bố Bắc Kinh về chống tham nhũng của APEC và về thực hiện hiệu quả Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Các bộ trưởng cam kết tăng cường vai trò của Mạng lưới các cơ quan chống tham nhũng và thực thi pháp luật của APEC (ACT-NET) trong việc tăng cường hợp tác xuyên biên giới không chính thức và thực chất giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong chống tham nhũng, hối lộ, rửa tiền cũng như thu hồi tài sản bất hợp pháp.
Các bộ trưởng ủng hộ các nỗ lực chia sẻ và thực hiện các kinh nghiệm điển hình về các biện pháp chống tham nhũng, và nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và khu vực. Đồng thời cam kết từ chối chứa chấp các quan chức và tài sản tham nhũng, cam kết phối hợp nhằm thúc đẩy hợp tác về dẫn độ.
Về chống khủng bố, các bộ trưởng cam kết hợp tác nâng cao khả năng ứng phó hiệu quả đối với các thách thức khủng bố khu vực thông qua việc triển khai Chiến lược tổng thể của APEC về chống khủng bố và an toàn thương mại, tăng cường hợp tác bảo đảm an toàn chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng, tài chính, đi lại, thương mại và kết nối thông suốt.
Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng
Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng tiếp tục cam kết thực hiện các mục tiêu Bogor về thương mại và đầu tư tự do và mở tại khu vực, sẽ có các biện pháp cụ thể hướng tới việc hiện thực hóa các mục tiêu Bogor vào năm 2020.
Các bộ trưởng ghi nhận hoạt động của WTO để bảo đảm thương mại quốc tế được dựa trên luật lệ, tự do, mở, công bằng, dự đoán được và bao trùm. Các thành viên cần tăng cường tuân thủ các luật lệ đã được nhất trí.
Các bộ trưởng cam kết hợp tác để cải thiện chức năng của WTO thông qua xử lý các thách thức. “Chúng tôi nhắc lại cam kết kiên định đến hết năm 2020 và tái cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, trong đó có bao gồm tất cả các tập quán thương mại không công bằng, ghi nhận vai trò của các công cụ phòng vệ thương mại chính đáng”.
Về khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), các bộ trưởng hoan nghênh nỗ lực của các nền kinh tế nhằm triển khai Tuyên bố Lima về FTAAP. Họ khuyến khích các nền kinh tế tiếp tục có những tiến bộ trong việc thúc đẩy Tuyên bố Lima về FTAAP và xây dựng các chương trình công tác nhiều năm nhằm tăng cường hơn nữa năng lực của các nền kinh tế APEC tham gia vào đàm phán các hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, toàn diện trong tương lai.
Các bộ trưởng cũng đề cập chi tiết các vấn đề liên quan dịch vụ và đầu tư, kinh tế số và kinh tế mạng, hàng hóa và dịch vụ môi trường, kết nối toàn diện và bao trùm ở khu vực và tiểu khu vực, chuỗi giá trị toàn cầu và kết nối chuỗi cung ứng, các thực tiễn quy định pháp lý tốt, công nghiệp hỗ trợ, đối thoại các ngành công nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ
Về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, các bộ trưởng nhấn mạnh các yếu tố phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, cải cách cơ cấu, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, phụ nữ và kinh tế, y tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đô thị hóa, người khuyết tật, ứng phó tình trạng khẩn cấp và quản lý thiên tai, chống tham nhũng, chống khủng bố...