Trong phòng xử vắng vẻ của TAND Hà Nội, hai người đàn ông trung niên dáng người khắc khổ giữ gương mặt lạnh lùng. Dễ dàng để nhận ra họ có quan hệ ruột thịt vì nhìn giống nhau ở vóc dáng, nét mặt. Họ đưa nhau ra trước vành móng ngựa lần thứ hai sau phiên sơ thẩm ở TAND huyện Sóc Sơn.
Sau những trao đổi ít ỏi giữa họ mới biết cả hai là anh em ruột. Người anh Nguyễn Văn Khải (51 tuổi) và em trai Nguyễn Văn Mừng (43 tuổi) cùng ở xã Mai Đình (Sóc Sơn). Nhà anh Mừng có 7 anh chị em, bố làm nghề lái trâu nên cuộc sống của các con không mấy vất vả. Anh Mừng thiệt thòi hơn các anh chị vì bị bố không thừa nhận là con ruột, và cho rằng đó là con riêng của vợ trong lúc ông đi làm ăn xa.
Người mẹ cắn răng chịu đựng những lời đàm tiếu của xóm làng, Mừng lớn lên thiếu tình cảm yêu thương của bố và các anh chị. Ngay cả việc học hành, cũng chỉ mới biết tới mặt chữ, đến lớp 2 phải nghỉ ở nhà giúp mẹ chăn nuôi, cơm nước.
Sớm thiệt thòi nên Mừng có chí tiến thủ, cưới vợ xong là tự mua được mảnh đất cắm dùi. Nhiều năm qua, Mừng một tay thu vén cuộc sống của cả nhà bằng việc gom thóc, xay xát rồi bán gạo, nuôi lợn, thả gà. Nhà cửa đàng hoàng, các con học giỏi, Mừng lấy đó làm an ủi.
Năm 1997, mọi người trong gia đình được bố chia đất đai, Mừng cũng có phần. Từ đó nảy sinh mâu thuẫn giữa Mừng và anh Khải. Mối bất hòa kéo dài nhiều năm, Mừng phải nhận những lời chửi bới từ người chị dâu. Đầu tháng 7/2011, Mừng sang nhà mẹ chị dâu nhờ can thiệp, khuyên giải vì bị chửi quá nhiều.
Không giải quyết được nội bộ, chiều 5-7-2011, anh em Mừng cãi chửi nhau và xô xát. Ông Khải dùng xẻng đánh em, Mừng cầm dao, tuýp sắt xông vào hỗn chiến. Cuộc xô xát khiến ông Khải tổn hại 42% sức khỏe, Mừng cũng thương tích 10%.
Tháng 7 vừa qua, TAND huyện Sóc Sơn tuyên phạt Mừng 5 năm, và ông Khải 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Cố ý gây thương tích. Cấp sơ thẩm quyết định, Mừng phải bồi thường cho anh trai 40 triệu đồng. Cả 2 kháng cáo, ông Khải mong cấp phúc thẩm sẽ "xóa" án 12 tháng tù treo và tăng nặng hình phạt cho em trai. Trong khi đó, anh Mừng mong được giảm nhẹ án tù.
Phiên phúc thẩm bắt đầu muộn vào chiều 5/11. HĐXX và những người dự tòa ngỡ ngàng trước đối đáp của ông Khải và em trai trước tòa. Người em gương mặt khắc khổ, hỏi anh: "Nhận tiền bồi thường rồi, anh có xin giảm án cho em không?". Đáp lại, ông Khải trả lời bằng câu hỏi: "Xin gì?".
Theo ông Khải từ ngày xảy ra vụ án, ông bị "mang tiếng vì đánh em" nên xấu hổ. Nói vậy nhưng ra tòa lần này, ông không có lời xin giảm án cho em. "Là anh cả, em nhận án 5 năm rồi còn không xin cho em?", tòa hỏi. Ông Khải đáp: "Như vậy là đã đại lượng lắm rồi. Mừng chưa bồi thường đồng nào và cũng không thăm hỏi một câu từ sau ngày xảy ra vụ án".
Trong lúc xét xử, anh Mừng đề nghị Tòa cho được hội ý với người thân để xem có bao nhiêu tiền gửi anh trai tại phiên xử. Sau nhiều lần chạy ra, vào phòng xử, anh gom được của các anh chị 5 triệu đồng. Nhận bồi thường từ em trai, ông Khải mở đếm lại số tiền, có cả những đồng lẻ.
HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng việc bồi thường tại tòa của ông Mừng là tình tiết mới nên đã giảm hình phạt xuống còn 4 năm tù cho bị cáo. Tòa phúc thẩm cũng bác kháng cáo của ông Khải.
Rời tòa, trong khi em trai "tâm phục khẩu phục với mức án" phải nhận, ông Khải gương mặt buồn so vì đề nghị "xóa án" sơ thẩm bị bác.
Theo Việt Dũng
VnExpress