Tác động đến thị trường thương mại gạo toàn cầu
Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, thông báo của Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ về việc cấm xuất khẩu (XK) tất cả các loại gạo trắng thường (phi Basmati) có hiệu lực kể từ ngày ký (20/7/2023). Động thái này sẽ tác động đến thị trường thương mại gạo toàn cầu.
Theo thông báo, một số trường hợp được tiếp tục XK gồm: Lô hàng bắt đầu đưa lên tàu trước thời điểm thông báo; các lô hàng đã có hóa đơn vận tải đã được điền, tàu đã cập cảng Ấn Độ và thứ tự bốc hàng lên tàu đã được cấp; lô hàng đã được chuyển cho hải quan trước khi thông báo và đã được đăng ký trên hệ thống hải quan điện tử hoặc lô hàng đã đưa vào kho hải quan để XK trước thời điểm thông báo. Thời điểm XK các lô hàng này là đến 31/8/2023.
Ngoài ra, lô hàng được XK theo giấy phép của Chính phủ Ấn Độ tới các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực và dựa trên đề nghị của Chính phủ nước đó.
Số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ cho thấy, trong tháng 5, Việt Nam nhập khẩu khối lượng gạo kỷ lục từ Ấn Độ với khoảng 101.000 tấn, tăng hơn 56% so với tháng 5/2022, vươn lên đứng thứ 4 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ tính về khối lượng.
Tổng 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu hơn 367.000 tấn gạo Ấn Độ, tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 8 trong số các quốc gia nhập khẩu gạo Ấn Độ.
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khuyến cáo các DN Việt Nam đang nhập khẩu gạo từ Ấn Độ cần liên hệ ngay với các đối tác XK để kiểm tra tình trạng hàng hóa và đề nghị DN Ấn Độ liên hệ ngay với văn phòng Tổng cục Ngoại thương ở các khu vực để được hướng dẫn.
Trước động thái trên của Ấn Độ, để góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, bình ổn giá lúa gạo trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, Cục Xuất nhập khẩu (XNK), Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tăng cường đôn đốc các hội viên, đặc biệt là các DN lớn, giữ vai trò dẫn dắt như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam... tổ chức thu mua và tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.
Yêu cầu các hội viên thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018 ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh XK gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP, đảm bảo cân đối XK và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá lúa gạo tại thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường gạo; chủ động trao đổi, tổng hợp ý kiến của hội viên về khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng, lưu thông gạo trên thị trường trong nước và quốc tế để báo cáo và đề xuất giải pháp phù hợp với các bộ, ngành liên quan.
Cục XNK cũng đề nghị các thương nhân kinh doanh XK gạo thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP. Chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, tổ chức phương án sản xuất, XK phù hợp, hiệu quả. Nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về lượng lúa gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng XK gạo theo quy định tại Nghị định 107/2018, gửi về Cục XNK và VFA...
Tại sao Việt Nam vẫn nhập khẩu nhiều gạo?
Sản lượng lúa gạo hàng năm của Việt Nam tương đối dồi dào, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và dành một lượng nhất định cho XK (khoảng 6-6,5 triệu tấn/năm). Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhập khẩu một số loại gạo để phục vụ các nhu cầu trong nước.
Theo đại diện một DN lúa gạo ở ĐBSCL, nhu cầu trong nước đối với phân khúc gạo cấp thấp là có, để phục vụ sản xuất bánh, bún, thức ăn chăn nuôi… Dòng gạo này lại được sản xuất phổ biến và năng suất tốt tại Ấn Độ, lại có giá rất thấp.
Ở Việt Nam, giống lúa tương tự ở phân khúc này là IR50404 trước đây được trồng nhiều nhưng những năm gần đây càng ngày càng ít do người dân chuyển dần sang phân khúc chất lượng cao. Điều này dẫn đến thiếu hụt gạo cấp thấp, nên phải nhập khẩu.