Ấn Độ bắn hạ vệ tinh thành công

TPO - Thử nghiệm công nghệ tên lửa mới, Ấn Độ đã bắn hạ một vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất ở tầm thấp, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa tuyên bố.

Sự thành công của chiến dịch Shakti về thử nghiệm công nghệ tên lửa mới đã đưa Ấn Độ vào danh sách các nước bắn hạ vệ tinh thành công, trước đó gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc, báo Independent ngày 27/3 dẫn lời Thủ tướng Modi.

 Đến nay mới chỉ có Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ bắn hạ vệ tinh thành công. Ảnh: Satellite.

Tuyên bố của ông được đưa ra vài tuần sau khi Ấn Độ đụng độ trên không với Pakistan trên vùng biên giới tranh chấp Kashmir. “Công nghệ mới không nhằm vào bất kỳ nước nào”, Thủ tướng Ấn Độ nói.

Mục tiêu của đợt thử nghiệm lần này là “một trong những vệ tinh đang hoạt động của Ấn Độ ở quỹ đạo tầm thấp”, một nguồn tin ở Bộ Ngoại giao nước này nói.

Các chuyên gia nói rằng, hồi tháng trước, một vệ tinh mini được đưa vào quỹ đạo tầm thấp, có vẻ là để phục vụ cho cuộc thử nghiệm.

Tuyên bố của ông Modi trên Twitter được phát đồng thời trên tất cả các đài truyền hình quốc gia và đài phát thanh Ấn Độ All-India Radio.

Madhavan Nair, cựu giám đốc cơ quan vũ trụ Ấn Độ ISRO, nói: “Ông Modi đã chọn thực hiện bước đi này để chứng tỏ rằng chúng tôi có năng lực trong lĩnh vực này”. Nếu bất kỳ nước này nhằm vào vệ tinh của Ấn Độ, “chúng tôi có thể phản ứng kịp thời”, ông Nair nói.

Trung Quốc bắn thử vệ tinh thành công lần đầu tiên vào năm 2007, theo China Daily. Mỹ và Nga thử nghiệm các công nghệ tương tự vào những năm 80 của thế kỷ trước.

Mỹ chấm dứt thử nghiệm bắn hạ vệ tinh vào năm 1985 vì lo ngại nguy cơ tạo ra các mảnh rác cỡ lớn trong vũ trụ.

Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói rằng, thử nghiệm của nước này được tiến hành ở khí quyển tầm thấp “để bảm đảm rằng rác sẽ phân mảnh và rơi xuống Trái đất trong vài tuần”.

Mỹ, Trung Quốc và Nga tiếp tục theo đuổi việc phát triển vũ khí chống vệ tinh, Brahma Chellaney, chuyên gia an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách (Ấn Độ), nói. “Vũ trụ đang biến thành chiến trường, khiến năng lực chống vũ trụ trở nên thiết yếu. Vì thế, việc Ấn Độ thành công trong việc tiêu diệt vũ khí chống vệ tinh có ý nghĩa quan trọng”, ông Chellaney nói.