Tuyên bố của AirAsia nói quyết định này "giải phóng các bên khỏi tất cả mọi nghĩa vụ trong các thỏa thuận liên quan đến liên doanh được đề xuất thành lập tại Việt Nam".
Kế hoạch mở liên doanh tại Việt Nam nói trên của AirAsia được công bố lần đầu vào tháng 3/2017, và hãng đã nhắc lại cam kết với sáng kiến này vào tháng 12/2018.
Quyết định hủy kế hoạch liên doanh tại Việt Nam được coi là một trở ngại đối với Tổng giám đốc (CEO) AirAsia, ông Tony Fernandes - người xem Việt Nam là một phần cốt lõi trong ngành công nghiệp hàng không ở Đông Nam Á.
Hồi tháng 12/2018, ông Fernandes nói: "AirAsia là một hãng hàng không ở ASEAN. Và trong ASEAN, Việt Nam là một trong những nước cuối cùng có dân số đông mà chúng tôi chưa vào. Chúng tôi tái khẳng định cam kết đưa AirAsia vào Việt Nam. Năm ngoái, khi công bố liên doanh này, chúng tôi đã rất lạc quan về Việt Nam và giờ chúng tôi vẫn vô cùng lạc quan về việc sẽ được phục vụ một trong những nền kinh tế phát triển năng động và nhanh chóng nhất ở Đông Nam Á".
Theo trang Flight Global, như vậy, nỗ lực lần thứ ba nhằm mở một hãng bay giá rẻ tại Việt Nam của AirAsia đã thất bại.
Trước khi đi đến kế hoạch mở liên doanh với Gumin và Hải Âu, vào tháng 9/2007, AirAsia đã ký một văn bản với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) về mở một hãng bay có trụ sở tại Hà Nội. Nhưng vào năm 2008, cơ quan chức năng của Việt Nam quyết định không cấp phép mở hãng hàng không mới.
Năm 2010, AirAsia thử cố gắng một lần nữa với kế hoạch mua 30% cổ phần của hãng VietJet, nhưng bất thành. Năm 2011, AirAsia từ bỏ kế hoạch này, và VietJet đã đi vào hoạt động mà không có sự hợp tác của AirAsia.
Dù gặp nhiều trở ngại, AirAsia nói rằng hàng vẫn dành sự quan tâm lớn cho thị trường Việt Nam.
"Tuy nhiên, công ty vẫn quan tâm đến việc vận hành một hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam do vị trí địa lý hấp dẫn, thị trường hàng không đang ngày càng mở rộng, và tiềm năng tăng trưởng nói chung của Việt Nam", tuyên bố của AirAsia ngày 17/4 có đoạn.