> Đại tá Gaddafi đã trốn sang Algeria?
> ‘Mê cung’ tuyệt mật của đại tá Gaddafi
Theo báo Anh Daily Mail, nhiều giả thiết cho rằng, ông Gaddafi đã trốn thoát bằng đường ngầm là hệ thống thủy lợi ngầm được xây dựng từ những năm 1980 bởi các kỹ sư và công nhân Hàn Quốc. Hồi đó, ông Gaddafi ra lệnh xây dựng tuyến thủy lợi ngầm này không chỉ để dùng vào việc tưới tiêu, mà còn dùng để bảo vệ tính mạng của bản thân một khi bị Phương Tây tiến công.
Được biết, hệ thống thủy lợi ngầm này được Cty kiến trúc DongA của Hàn Quốc nhận thầu xây dựng năm 1983, đến năm 2004 thì chuyển nhượng cho Cty Dahan. Công trình thủy lợi khổng lồ này được xây dựng để dẫn nước từ nam sa mạc Sahara về cung cấp nước uống cho các thành phố lớn như Tripoli, Benghazi…và dùng cho việc tưới tiêu. Tổng đầu tư cho công trình lên tới 15 tỷ Bảng Anh với chiều dài tổng cộng 5.524 km. Nếu không có sự biến đổi tình hình như hiện nay thì theo lịch trình, công trình vĩ đại này sẽ hoàn thành vào năm 2013.
Đường ống ngầm khổng lồ này có đường kính 4m, mỗi đốt nặng 75 tấn, đúc bằng bê tông cốt thép cường độ cao, có thể tránh được sự giám sát bằng vệ tinh gián điệp và tránh được các cuộc tấn công của kẻ địch. Ngay từ khi nó được khởi công xây dựng, cơ quan tình báo Mỹ đã cho rằng nó được dùng cho hai mục đích quân sự và dân sự.
Ngay từ năm 1997, tờ Thời báo New York số ra ngày 3-12-1997 đã dẫn lời Robert Biper, một chuyên gia quân sự Anh cho rằng, ông Gaddafi xây dựng đường ngầm này là học theo kinh nghiệm của Bắc Triều Tiên trong việc xây dựng các công trình quân sự, kho tàng ngầm. Thời báo New York viết, đường ngầm này rất lớn, xe tải lưu thông được, thậm chí có thể đặt đường sắt cho tàu hỏa chạy dưới đó. Báo này còn dẫn lời nhân viên kỹ thuật cho biết,cứ cách 50 – 60 km lại có một trạm dự trữ nước, được xây dựng để có thể sử dụng cho việc trú quân hoặc làm kho tàng. Đường hầm này được nối với núi Tarhuma nằm cách Đông Nam Tripoli 80 km, nơi được cho là có nhà máy sản xuất vũ khí sinh hóa.
Tờ Daily Mail cho rằng, ông Gaddafi và các thân tín có thể đã sử dụng đường ngầm này để tránh các cuộc tấn công bằng không quân của NATO. Các phóng viên bị giam lỏng ở khách sạn Rixos cho biết, hồi tháng 5, ông Gaddafi xuất hiện ở hành lang khách sạn này không vào từ cửa lớn, mà đi theo đường hầm nối từ Azzia cách Tripoli 80 km.
Tuy nhiên, một số kỹ thuật viên của công ty DongA từng làm việc ở Lybia lại tỏ ý nghi ngờ về việc ông Gaddafi có thể sử dụng đường ống ngầm này để lẩn trốn bởi đường ống này có những đoạn hẹp chứ không đều có đường kính 4m. Mặt khác, muốn dùng nó cho việc đi lại, phải mất ít nhất nửa tháng để bơm cạn nước. Theo họ, việc này khó có thể tiến hành trong điều kiện bị NATO giám sát suốt ngày đêm bằng vệ tinh.
Ngoài ra, một lãnh đạo công ty DongA lại cho biết, hồi ấy, theo yêu cầu của chính quyền Gaddafi, một đường hầm lớn khác đã được thi công ở vùng đồi núi liền kề Tripoli, không rõ để dùng vào mục đích gì.
Ông Gaddafi đã sang Algeria?
Thông tin cho rằng nhà lãnh đạo Libya Muammar Gadhafi đã chạy khỏi đất nước và sang nước láng giếng Algeria đã không được chính quyền Algeria khẳng định. Ngày 27-8, phóng viên Tân Hoa xã đã gọi điện cho một quan chức của Bộ Ngoại giao Algeria để khẳng định vấn đề này, nhưng quan chức này đã gác máy. Tiếp tục gọi điện thoại tới Bộ Thông tin và văn phòng Tổng thống cũng không có ai trả lời. Trong khi đó, sáng sớm ngày 27-8, hãng thông tấn Ai cập MENA đã đưa tin dẫn từ nguồn tin của phiến quân phe đối lập ở Libya cho biết, một đoàn xe hơi bọc thép sang trọng có thể đã chở các quan chức hàng đầu của chính phủ Libya, thậm chí là chính ông Gaddafi đã tiến vào lãnh thổ Algeria từ phía Libya vào thứ 6 ngày 26-8. Thông tin cho biết, đoàn tùy tùng gồm nhiều người thuộc phe ủng hộ ông Gaddafi. Các chiến binh phe nổi dậy không thể đuối theo vì thiếu phương tiện và đạn dược. Thông tin này cũng không được phía Libya khẳng định. Algeria tuyên bố nước này không công nhận chính phủ lâm thời của phe đối lập, đồng thời tiếp tục theo đuổi chủ trương trung lập trong cuộc nội chiến tại Libya. Cho tới nay, nơi ẩn náu của ông Gaddafi vẫn là một bí ẩn lớn.
Diệu Linh (Theo Tân Hoa)
Thu Thủy
Theo Chosun Ilbo