Động thái trên đã khiến đồng bảng Ai Cập lao dốc tới 48% so với USD hôm qua. Tuy vậy, nước này giờ đã có thể tiếp cận khoản cứu trợ 12 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
"Cơ chế tỷ giá linh hoạt sẽ cải thiện sức cạnh tranh bên ngoài của Ai Cập, hỗ trợ xuất khẩu, du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài. Những việc này sẽ củng cố tăng trưởng, tạo ra việc làm và cải thiện vị thế cho họ", Giám đốc IMF chịu trách nhiệm về Ai Cập - Chris Jarvis nhận xét.
Ngân hàng Trung ương Ai Cập cũng cho biết quyết định thả nổi tiền tệ được đưa ra "nhằm dập tắt bất kỳ sự thao túng nào trên thị trường ngoại tệ trong nước, đồng thời cho phép cơ chế cung - cầu của thị trường làm việc hiệu quả hơn".
Theo số liệu của cơ quan này, một USD hiện đổi được 13 bảng Ai Cập. Hôm thứ Tư, con số này mới chỉ là 8,8 bảng.
"Đây là bước đi tích cực để ngăn chặn sự gián đoạn trên thị trường tiền tệ. Chúng tôi kỳ vọng hoạt động trên thị trường chợ đen sẽ giảm sút từ bây giờ", Mohamed Abu Basha - nhà kinh tế học tại EFG Hermes (Ai Cập) cho biết.
Nền kinh tế này đã lao dốc từ sau làn sóng nổi dậy đòi dân chủ mang tên Mùa xuân Arab năm 2011. Từ đó, nhà đầu tư ngoại bắt đầu lưỡng lự đổ tiền vào đây. Các cuộc tấn công khủng bố và thảm họa hàng không càng khiến ngành du lịch cốt cán của nước này tê liệt.
IMF trước đó đã ám chỉ thả nổi tiền tệ là điều thiết yếu nếu nước này muốn nhận được gói cứu trợ 12 tỷ USD. Gói này đã được chấp thuận hồi tháng 8. Chính phủ Ai Cập đang tiến hành một loạt cải tổ nhằm thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ người nghèo. Họ muốn áp thuế mới và giảm trợ giá điện, đồng thời lên kế hoạch sử dụng tiền của IMF cho các chương trình y tế và xã hội.
Chứng khoán Ai Cập đã tăng mạnh sau thông tin này. Chốt phiên hôm qua, chỉ số EGX 30 đã tăng gần 3,4%.