Nỗi lo mùa hè
Chị Trần Minh Ng, công tác tại Sở Công an Bạc Liêu phân vân: “Mỗi năm đến hè, vợ chồng mình mất ăn mất ngủ vì con. Đưa con đến cơ quan không tiện, kỷ cương của công sở chớ đâu phải ở nhà. Còn đưa con về nội ngoại thì sợ té sông. Vào năm học, con đi học vẫn là yên tâm nhất, rảnh tay nhất!”.
Khi năm học vừa kết thúc, có rất nhiều cha mẹ học sinh phải tìm chỗ học cho con để đỡ bận bịu. Anh Nguyễn Văn H, ở xã Châu Hưng (Vĩnh Lợi) tâm sự: “Vợ chồng tôi mua bán ở chợ, mang con theo thì làm ăn cái gì. Thôi, ráng tìm chỗ cho con học hè là yên tâm nhất. Học được một chữ mừng một chữ, còn hơn ở nhà đi nhông nhông”.
Khi nắng nóng vừa dịu bớt, cơn mưa đầu mùa chưa nặng hạt, thì trẻ em nông thôn Bạc Liêu đi theo đường mòn của cha mẹ. Cái thiếu thốn sân chơi trẻ em nông thôn ở làng rừng xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lợi), Xóm Muối xã Vĩnh Trạch Đông (TX Bạc Liêu), Cù Lao xã Hưng Hội (Vĩnh Lợi)… lan rộng ra vùng nông thôn tỉnh Bạc Liêu. Không có sân chơi, các em thiếu nhi gia nhập vào đội quân hái lượm trong rừng, ven biển.
Xóm Muối, xã Vĩnh Trạch Đông (TX Bạc Liêu) tựa lưng vào con đường nhựa phẳng phiu, nhìn ra biển Bạc Liêu. Từ trụ sở UBND xã Vĩnh Trạch Đông nhìn xuống, Xóm Muối có 30 nóc nhà bé xíu, rách rưới, liền kề nhau. Theo thủy triều, các em ra mé biển mò cua, bắt cá, hái lượm cây rừng kiếm sống. Con chữ của trẻ em Xóm Muối cũng theo con nước ròng cuốn đi rồi. Mùa hè không có đến với trẻ em Xóm Muối.
Nghe tôi hỏi trẻ em chơi hè ở đâu? Chị Thạch Thị Nương trố mắt: Chơi hè thì ngày nào chẳng chơi, trẻ em ở đây vào rừng, xuống biển kiếm ăn rồi về, chớ làm gì? Vợ chồng tôi có 7 người con thì đi mò cua bắt ốc, lượm củi khô hết, chớ ai đi chơi!
Xã Vĩnh Trạch Đông đạt chuẩn phổ cập giáo dục nhưng trẻ em Xóm Muối thì không biết chữ còn quá nhiều. Lân la với những người dân chờ nước ròng để xuống biển, Trần Út, 11 tuổi, cho biết: Em mới đi học lớp 1, chán học, nghỉ rồi, đi mò cua con. Chuyện bỏ học giữa chừng không chỉ riêng anh em Trần Út. Em Sơn Thị Na, 12 tuổi, học lớp 3 Trường tiểu học Thuận Hòa 2, xã Vĩnh Trạch Đông cho biết: Xóm Muối có 7 bạn đi học hồi đầu năm thì nay chỉ còn vài bạn đi học, còn lại nghỉ giữa chừng, chắc sang năm học lại?
Nhà thiếu nhi bị xén bớt
Năm 2000, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu quyết định phê duyệt dự án xây dựng Khu văn hóa thanh thiếu niên Bạc Liêu, tại khu đất rộng 44.800 m2 (sau này đổi thành Nhà thiếu nhi Phùng Ngọc Liêm). Khu đất vừa rộng rãi, vừa ở ngay trung tâm phường 3 (TX Bạc Liêu), có đến 4 mặt tiền đường Trần Phú - Bà Triệu, Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng. Không chỉ các em thiếu nhi mà người dân cũng hết lòng khen ngợi chính quyền lo cho “thế hệ tương lai”.
Sau gần 10 năm ì ạch, trình lên, duyệt xuống, ngày 12-9-2008, Chủ tịch UBND thị xã Bạc Liêu điều chỉnh qui hoạch để xén bớt Nhà thiếu nhi Phùng Ngọc Liêm còn gần 19.000 m2. Diện tích đất còn lại xây dựng khu dịch vụ thương mại, khu tái định cư, đất xây dựng công trình giao thông…
Quyết định số 116/QĐ-UBND, ngày 12-9-2008 của Chủ tịch UBND TX Bạc Liêu, phê duyệt quy hoạch chi tiết Nhà thiếu nhi Phùng Ngọc Liêm (điều chỉnh lần 3), khu đất tiếp giáp mặt tiền đường Bà Triệu “phân lô nhà phố thương mại” với diện tích 2.816 m2 để bố trí tái định cư cho 33 hộ. Phần còn lại, tiếp giáp đường Trần Phú - Bà Triệu - Võ Thị Sáu ( 9.466 m2 ) để... thu hút các nhà đầu tư.
Anh Phạm Thành Duy, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bạc Liêu cho biết, tỉnh Bạc Liêu chưa xây dựng Nhà thiếu nhi. TX Bạc Liêu chỉ có chỗ làm việc cho cán bộ kiêm nhiệm Nhà thiếu nhi TX Bạc Liêu. Còn các huyện của tỉnh Bạc Liêu đương nhiên là chưa có nhà thiếu nhi, thậm chí chưa xây dựng dự án. Tập hợp thiếu nhi sinh hoạt hè khó khăn từ thành thị đến nông thôn bởi vì chưa có sân chơi.
Tỉnh Đoàn Bạc Liêu, Hội đồng Đội tỉnh Bạc Liêu vừa xây dựng kế hoạch hoạt động hè. Hàng loạt công việc được đề ra nhưng không ghi địa điểm tổ chức, bởi lẽ thiếu nhi còn phải nhờ vả người lớn.
Câu khẩu hiệu thường nghe trên diễn đàn Hãy dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho các em, giữa nói và làm còn xa vời vợi.