Chương trình có sự tham dự của đông đảo cán bộ, chiến sỹ từng công tác, chiến đấu tại đảo Trường Sa qua các thời kỳ, cùng thân nhân, anh em đồng đội của 64 liệt sỹ đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Mở đầu chương trình, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa đã thực hiện nghi lễ chào cờ, dành phút mặc niệm tưởng nhớ anh linh của 64 chiến sĩ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, ngã xuống để giữ vững chủ quyền biển đảo ở Trường Sa thân yêu đúng 30 năm về trước.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng ban Liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng giai đoạn 1984 – 1988, cho biết: Một điều hết sức đặc biệt, ngày 14/3/2018 trùng với ngày 27/1 (âm lịch) của 30 năm về trước. Đây là một điều hết sức thiêng liêng, thôi thúc anh em ban liên lạc tổ chức lễ tượng niệm với đông đảo anh em đồng đội, thân nhân các gia đình liệt sỹ để tri ân, tưởng nhớ đồng đội.
Trước đó một ngày (13/3), trùng với ngày giỗ chung (26/1, âm lịch) của 64 liệt sỹ, ban liên lạc đã tổ chức lễ cầu siêu với hi vọng anh linh của các anh sẽ siêu thoát nơi chín suối, ấm lòng gia đình của các anh.
Lễ tưởng niệm diễn ra trang nghiêm với sự tham dự của nhiều cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 83, cùng cựu cán bộ chiến sỹ bộ đội Trường Sa, các nhân chứng sống, cùng thân nhân của các gia đình có liệt sỹ hi sinh ngày 14/3/1988 tại Gạc Ma. Ảnh Nguyễn Thành
Clip lễ tưởng niệm 30 năm ngày 64 liệt sỹ hi sinh ở đảo Gạc Ma. Clip : Nguyễn Thành
Đại tá Hoàng Duy Lập phát biểu tại buổi lễ.
Tại lễ tưởng niệm, Đại tá Hoàng Duy Lập, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 đã đọc diễn văn tưởng nhớ anh linh 64 liệt sỹ và ôn lại thời khắc đau thương của 30 năm về trước.
Đại tá Lập cho biết: Sự kiện ngày 14/3/1988 chỉ là đỉnh điểm của một chiến dịch kịch bản đã được Trung Quốc tính toán, triển khai nhằm thực hiện quyết tâm đặt được một chân lên quần đảo Trường Sa.
“64 chiến sỹ đã hi sinh, 11 chiến sỹ khác bị thương, máu, thân xác của các anh đã hòa cùng dòng biển. Nhưng tâm gương dũng cảm mưu trí để bảo vệ chủ quyền của các anh mãi mãi là thiên sử anh hùng, bất diệt. Sự kiện 14/3/1988 cũng thể hiện quyết tâm bảo vệ đến cùng tất đất, sải biển thiêng liêng của tổ quốc.
Xin một lần nữa vinh danh các anh 64 liệt sỹ đã hi sinh ngày 14/3/1988. Chúng ta xin thề trước hương hồn tổ tiên, trước hương hồn các chiến sỹ đã hi sinh vì tổ quốc, xin hứa cùng đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau sẽ quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thương yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc”, đại tá Lập phát biểu
Thiếu tướng Hoàng Kiền - nguyên chỉ huy trưởng Trung đoàn 83, Nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh Hải quân có mặt và phát biểu tại buổi lễ. Ảnh Nguyễn Thành
Bốn cựu binh Gạc Ma còn sống chuẩn bị các bó hoa, lẵng hoa tại lễ tưởng niệm đồng đội mình. Sau sự kiện 14/3/1988, 9 cán bộ chiến sỹ Hải quân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giam và mấy năm sau mới trao trả. Đến nay chỉ có 7 cựu binh còn sống. Ảnh Nguyễn Thành
Cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Thống (Quảng Bình) mang trên mình nhiều vết thương do lính Trung Quốc bắn vào ngày 14/3/1988. Anh Thống bị thương nặng và bị Trung Quốc bắt giam. Từ ngày được trao trả, hàng năm cứ dịp 14/3, anh Thống và đồng đội đều tựu hội để làm lễ tưởng nhớ đồng đội đã hi sinh. Ảnh Nguyễn Thành
Tại lễ tưởng niệm, nhiều phần quà đã được dành tặng cho các gia đình liệt sỹ, các cựu binh Gạc Ma bị bắt và tù đày. Trong ảnh, bà Nguyễn Thị Anh Đào - Chủ tịch HĐQT trường ĐH Đông Á trao quà cho các cựu binh và đại diện gia đình liệt sĩ Gạc Ma. Ảnh Nguyễn Thành