Kết quả, ở nhóm trẻ mầm non, tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con chích ngừa là 60,49%. Tỷ lệ này ở bậc tiểu học là hơn 81%; bậc trung học cơ sở (với nhóm học sinh lớp 6) là gần 88%. Ông Trọng cũng cho biết, Sở đã yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục tuyên truyền về lợi ích của việc chích vắc xin ngừa COVID-19 cho học sinh để tiếp tục nhận được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc những trẻ không chích vắc xin ngừa COVID-19 có bị hạn chế các hoạt động học tập hay không? Ông Duy Trọng khẳng định, việc tiêm vắc xin là hoàn toàn tự nguyện, không ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ, không giới hạn các hoạt động trong lớp, trong trường.
Tuy nhiên, với những trẻ chưa được tiêm vắc xin vì những lý do khác nhau thì nhà trường cần phải quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp bảo vệ an toàn, tránh nguy cơ lây nhiễm cho học sinh”.
Liên quan đến hoạt động chuẩn bị tiêm ngừa vắc xin cho trẻ, tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, trong giai đoạn cao điểm, thành phố đã thực hiện được khoảng 250 đến 300.000 mũi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mỗi ngày.
Để chuẩn bị cho việc tiêm ngừa cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi, Sở Y tế đang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn, nắm sát mọi công tác tổ chức và cân đối số lượng chích ngừa phù hợp mỗi ngày sẽ thực hiện tại các điểm tiêm.
“Việc tiêm ngừa COVID-19 ở trẻ em có sự khác biệt so với tiêm cho người lớn. Chúng tôi đang chuẩn bị kỹ lưỡng hơn rất nhiều so với trước đây để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những trẻ tham gia công tác tiêm chủng. Mọi công tác khám sàng lọc, sơ cấp cứu, theo dõi sau tiêm, hướng dẫn phụ huynh theo dõi xử lý tình huống trẻ bị sốt hoặc tác dụng phụ sau tiêm đã được lên phương án chi tiết” - bà Huỳnh Mai nói.