6 quốc gia giàu có nhất thế giới chỉ nhận 8,9% người tị nạn

TPO - Theo báo cảo của Oxfam, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp và Anh chỉ chấp nhận 2,1 triệu người tị nạn (khoảng 8,9% tổng số của thế giới) nhập cư vào lãnh thổ quốc gia.
Gia đình tị nạn Syria đến nhà mới ở Isle of Bute, Scotland. Ảnh: Christopher Furlong/Getty Images

Báo cáo mới nhất của tổ chức phi lợi nhuận Oxfam, sáu cường quốc; gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức , Pháp và Anh; chỉ chấp nhận 2,1 triệu người tị nạn, tương đương 8,9% tổng số của thế giới, dù có nền kinh tế chiếm tới 56,6% GDP toàn cầu.

Trong đó, 1/3 số người tị nạn (736.740 người) tập trung ở Đức, số còn lại ở năm quốc gia còn lại. Anh là nước có ít người tị nạn nhất (168.937 người), chưa đến 1%.

Ngược lại, hơn một nửa số người tị nạn trên thế giới - gần 12 triệu người - sống ở Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Palestine, Pakistan, Lebanon và Nam Phi, mặc dù GDP của những nơi này chỉ chiếm chưa đầy 2% nền kinh tế thế giới.

Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia có số người tị nạn đông nhất thế giới, lần lượt là 2,8 triệu và 2,75 triệu.

Oxfam kêu gọi chính phủ các nước chấp nhận thêm nhiều người tị nạn hơn, cũng như chung tay giúp đỡ các nước nghèo giảm bớt gánh nặng người nhập cư.

“Đó là một cuộc khủng hoảng phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp toàn cầu. Các nước giàu cần phải san sẻ công bằng bằng cách tiếp nhận thêm người tị nạn và hành động nhiều hơn nữa để giúp đỡ và bảo vệ họ.

Hơn bao giờ hết, Anh cần phải cho thấy bản thân là một xã hội mở, khoan dung, luôn sẵn sàng giải quyết cuộc khủng hoảng này. Thật đáng xấu hổ khi Vương quốc Anh, một trong những nền kinh tế giàu nhất thế giới, lại chỉ cung cấp nơi trú ẩn cho ít hơn 1% tổng số người tị nạn”, Mark Goldring, Giám đốc điều hành Oxfam, kêu gọi.

Theo báo cáo UNHCR Globals Trends 2015 của Liên Hiệp Quốc, hơn 65 triệu người rời bỏ nhà cửa do bạo lực, chiến tranh và vi phạm nhân quyền, ghi nhận con số cao nhất từ khi mở hồ sơ. Hầu hết số này (40,8 triệu người) lựa chọn di cư khỏi đất nước, trong đó, 21,3 triệu người tị nạn và 3,2 triệu người đang xin nhập cư vào các nước công nghiệp phát triển.

Phần lớn người tị nạn do xung đột tại Syria, tiếp theo là ở Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Iraq, Nigeria, Nam Sudan và Yemen.

Oxfam là một liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công. 

Oxfam làm việc trực tiếp với các cộng đồng và tìm cách để gây ảnh hưởng đến các cường quốc để đảm bảo rằng người nghèo có thể cải thiện cuộc sống và sinh kế của họ và có một tiếng nói trong các quyết định có ảnh hưởng đến họ.

Theo Theo Guardian