Trường hợp đầu tiên là ông Phùng Văn Hinh (68 tuổi, ngụ Định Quán, Đồng Nai)- một cái tên quen thuộc với người dân tại đây vì những hoạt động thiện nguyện của ông.
“Lúc còn sống, ba tôi từng phối hợp cùng với bạn bè để cứu giúp những người gặp hoàn cảnh khó khăn hay không may gặp tai nạn, ông còn tham gia hiến máu và vận động hiến máu cứu người. Những người nghèo, neo đơn tại địa phương khi qua đời không có điều kiện ma chay, chôn cất, chính ông là người đứng ra vận động hỗ trợ áo quan, chi phí.”, nhà báo Phùng Hiệu (Báo Nhà báo & Công luận) kể lai cuộc đời làm thiện nguyện của cha mình.
Vào tháng 5/2018, trong một lần sang nhà bạn đánh cờ, ông Hinh bất ngờ bị đột quỵ. Mặc dù đã được đưa vào BV cấp cứu, tuy nhiên vì bệnh tình quá nặng, các BS cho biết khả năng cứu chữa thành công cho ông Hinh là rất khó. “Lúc này gia đình chúng tôi bàn với nhau sẽ đưa ba lên Bệnh viện Chợ Rẫy để hiến tạng, thỏa ý nguyện lúc còn sống của ông”, nhà báo Phùng Hiệu kể lại.
Chị Nga ngậm ngùi kể về em trai
Cũng vào thời điểm trên, anh Nguyễn Hy Na (30 tuổi, quê Đồng Tháp)- đang là một tài xế GrabBike tại TPHCM bất ngờ bị tai nạn trên đường trở về sau một cuốc chạy từ TPHCM đến Bình Dương.
“Sau khi xảy ra tai nạn, Na được người dân đưa đến Bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Các BS cho biết em tôi bị chấn thương sọ não và chảy máu não, dường như không còn khả năng cứu chữa”, chị Nguyễn Thị Hồng Nga, chị gái anh Na thuật lại.
Lúc này trong đầu chị Nga chợt lóe lên ý nghĩ sẽ hiến tạng của em trai cho bệnh viện Chợ Rẫy để cứu sống những người khác.
Chị Nga ra sức thuyết phục mọi người trong gia đình hiến tạng em trai và sau đó được chấp thuận. Người phụ nữ này cũng chính là người đứng ra ký đồng ý việc hiến tạng em trai cho Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người bệnh viện Chợ Rẫy để cứu người.
Theo các BS, do tim của 2 người hiến ngừng đập đột ngột trong quá trình hồi sức, nên số cơ quan hiến tặng bị giảm đi so với sự tình nguyện hiến tặng trước đó. Nhờ vào tấm lòng cao cả của hai người đàn ông và gia đình, họ đã cứu sống được 6 người bệnh với 4 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối ghép thận và 2 người bệnh mù được sáng mắt.
“Trong 4 người bị bệnh thận mãn tính, có người đã phải chạy thận suốt 13 năm, có người tuổi đời còn rất trẻ. Ngay sau khi được ghép tạng, các bệnh nhân đều hồi phục rất tốt và đã được xuất viện.”, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người bệnh viện Chợ Rẫy cho biết.