5 kiểu đau bụng dưới phụ nữ cần lưu ý
> Nên cẩn thận khi dùng cua đồng làm thuốc
> Nhận biết hội chứng tiền kinh nguyệt
Tùy vào thời điểm, tính chất mà những cơn đau vùng bụng dưới có nguyên nhân và biện pháp điều trị khác nhau.
Dưới đây là một số kiểu đau vùng bụng dưới điển hình để bạn đọc có thêm thông tin.
Những cơn đau cấp vùng bụng dưới
Nếu xảy ra ở phụ nữ đang độ tuổi sinh đẻ và không kèm theo sốt thì trước tiên cần nghĩ đến chửa ngoài tử cung nhưng cũng có thể là u nang buồng trứng xoắn. Nếu kèm theo sốt, cần nghĩ đến viêm phần phụ nhưng không loại trừ viêm ruột thừa hay viêm đại tràng sigma (đoạn cuối đại tràng trước trực tràng).
Đau vùng bụng dưới vào giữa kỳ kinh
Có đặc trưng là đau vùng bụng dưới kèm ra nhiều chất xuất tiết âm đạo có màu trắng hay lẫn máu. Đau có tính chất lan tỏa xuống âm hộ, âm đạo đôi khi ra vùng thắt lưng hay khắp vùng bụng, có thể đau cấp tính, kèm buồn nôn hay nôn. Đau thường xảy ra vào thời điểm rụng trứng (phóng noãn) từ ngày thứ 12 - 16 của chu kỳ kinh, kéo dài từ vài giờ đến 48 giờ. Khoảng 20% phụ nữ có kiểu đau này, một số người chu kỳ kinh nào cũng đau, một số khác đau ở chu kỳ này nhưng chu kỳ khác lại không.
Chẩn đoán thường dựa vào đau xảy ra vào giữa chu kỳ kinh và khám vùng tiểu khung không thấy gì bất thường. Nếu đau kéo dài và/hoặc nghiêm trọng thì cần siêu âm để loại trừ các nguyên nhân gây đau bụng dưới khác, đôi khi cần phân biệt với viêm ruột thừa. Đau giữa kỳ kinh thường không cần điều trị. Thuốc giảm đau có thể cần khi đau kéo dài hay nghiêm trọng. Thuốc tránh thai hormon có thể dùng để ngăn cản rụng trứng nhằm làm mất đau.
Đau bụng dưới kết hợp với rụng trứng (còn gọi là triệu chứng Mittelschmerz, tiếng Đức có nghĩa là đau giữa kỳ kinh).
Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây đau:
Nang trứng phình to trước thời điểm phóng noãn: Khi chỉ có một hay 2 noãn trưởng thành đến mức sắp được phóng ra thì có một số nang noãn khác cũng lớn lên. Vì nang noãn lớn lên ở cả 2 buồng trứng cho nên đau có thể xảy ra đồng thời ở cả 2 bên hoặc chỉ 1 bên.
Thành của buồng trứng bị rách (vỡ): Vỏ buồng trứng phải rách để noãn thoát ra, vì thế, chính sự phóng noãn đã gây đau ở một số phụ nữ.
Vòi trứng co thắt: Sau khi phóng noãn, vòi trứng co thắt giống như sự nhu động của thực quản và gây đau.
Các cơn co của lớp cơ nhẵn buồng trứng: Đa số phụ nữ cảm thấy đau ngay trước khi trứng rụng, do hormon LH đạt tới đỉnh cao làm tăng Prostaglandine tạo ra các cơn co ở vòi trứng, tử cung và đường ruột.
Do sự kích thích phúc mạc: Vì máu hay dịch thoát ra khi phóng noãn.
Đôi khi nhiễm khuẩn đường sinh dục là nguyên nhân gây đau nhưng thường không rõ. Có thể sử dụng triệu chứng đau giữa kỳ kinh để nhận biết có phóng noãn.
Đau vùng bụng dưới mạn tính không liên quan đến các kỳ kinh
Đó là kiểu đau bụng dưới lan tới âm hộ và cả vùng thắt lưng, kèm với cảm giác nóng rát, đau ở bàng quang, đái buốt, đái khó, đau trực tràng và cảm giác muốn đại tiện, ngứa âm hộ. Những triệu chứng này thường do nhiều nguyên nhân khó phát hiện như có tổn thương ở cổ tử cung - tổn thương ở thân tử cung (tử cung gập sau, u xơ tử cung (xoắn, hoại tử vô khuẩn) - sa sinh dục - viêm phần phụ mãn, viêm cùng đồ hay buồng trứng - lạc nội mạc tử cung - giãn tĩnh mạch tiểu khung…
Đau không do nguyên nhân phụ khoa: Cũng gây ra đau vùng bụng dưới.
Bệnh ở cột sống: Đau lưng do tư thế, thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm…;
Bệnh đường ruột: Viêm ruột thừa, viêm đại tràng, viêm túi mật, viêm đại tràng sigma...;
Bệnh ở đường tiết niệu: Viêm thận-bể thận, viêm bàng quang...;
Đau do nguyên nhân tâm lý... Thầy thuốc cần khám toàn diện và cần làm thêm một số thăm dò theo định hướng của bệnh cảnh.
Theo BS. Đào Xuân Dũng
Sức Khỏe & Đời Sống