5 "kẻ thù" của đường hô hấp

Khi hội tụ những điều kiện cần và đủ thì ngay cả những điều bình thường cũng có thể trở thành mối nguy hại cho đường thở.
Ảnh minh hoạ: Internet

Phấn hoa gây dị ứng

Nhiều người rất thích hoa nhưng cả đời không dám lại gần chúng. Nguyên nhân là do cơ địa của một số người  không thích ứng được với hương hoặc phấn của một số loài hoa; nếu tiếp xúc sẽ gây dị ứng đường hô hấp.

Theo  BS. Phạm Thị Ngọc Minh, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da Liễu, Hà Nội, dị ứng phấn hoa không gây chết người, nhưng  mang lại sự khó chịu cho bệnh nhân như ngứa ngáy, sổ mũi, hắt hơi, chảy nước mắt nước mũi, hay mũi sưng đỏ  như quả cà chua. Trường hợp dị ứng nặng có thể làm mặt bị sưng lên, mũi chảy máu, cổ họng đau, tức ngực, suy  hô hấp... Trong trường hợp nhẹ bệnh sẽ tự thuyên giảm sau vài giờ hoặc vài ngày, còn đối với những bệnh nhân  nặng thì cần phải nhập viện để được cấp cứu kịp thời.

Mách bạn:

Nếu bạn có cơ địa dễ dị ứng thì đừng quên đeo khẩu trang khi ra ngoài vì bên cạnh phấn hoa thì bụi bặm cũng là tác  nhân gây dị ứng. Bạn cũng nên gặp bác sỹ để xác định rõ bạn dị ứng cụ thể với loại phấn hoa nào, để có phương pháp  phòng tránh hiệu quả. Ngoài ra, người bệnh có thể tiến hành tiêm phòng dị ứng phấn hoa một năm/lần theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

 Hiểm họa khó lường từ thú cưng

Nuôi một số loại thú nuôi trong nhà như chó, mèo để làm bạn và dạy trẻ con lòng yêu thương động vật là một  việc làm tốt. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận đây sẽ là một nguy cơ gây ra một số bệnh về đường hô hấp cho con  người nhất là với trẻ em có hệ miễn dịch kém.

Trong lông của những chú thú cưng thường chứa nhiều vi khuẩn, siêu vi khuẩn mà mắt thường khó có thể nhìn thấy. Khi những chiếc lông này rụng sẽ bay khắp trong không khí, chúng ta có thể hít phải và đưa chúng vào trong cơ thể. Lúc này, hệ miễn dịch dễ bị kích thích, gây dị ứng đường hô hấp. Triệu chứng thường gặp là sổ mũi, chảy nước mắt, hắt hơi, và các triệu chứng của bệnh hen suyễn, khó thở...

Mách bạn:

Trong trường hợp trong nhà bạn có người bị dị ứng với lông của vật nuôi thì tốt nhất bạn không nên nuôi chúng. Với những người có thú vui nuôi thú cưng trong nhà thì nên thường xuyên cho chúng khám sức khỏe tổng quát để kiểm tra xem có bệnh truyền nhiễm, nên tắm rửa sạch sẽ cho thú nuôi để tránh những vi khuẩn có thể bán trên bộ lông của chúng.

Cẩn trọng với thời tiết giao mùa

Theo thống kê của Khoa Khám Bệnh, BV. Xanh Pôn, Hà Nội, trong thời điểm giao mùa mỗi ngày có khoảng 450 bệnh nhân tới khám. Trong số những bệnh nhân tới khám có tới 60-70% mắc bệnh viêm đường hô hấp. Bệnh  nhân tập trung chủ yếu là các trẻ nhỏ từ sơ sinh đến 3 tuổi. Viêm đường hô hấp do nhiều căn nguyên khác nhau,  dị ứng với thời tiết (nhiệt độ thay đổi quá đột ngột) là một trong số đó.

Thời điểm giao mùa thường tạo ra môi  trường thuận lợi cho các loại nấm, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, virus sinh sôi phát triển. Chúng có mặt trong không khí  và có thể gây hại cho đường hô hấp của con người bất cứ lúc nào, đặc biệt là trẻ nhỏ và những người mẫn cảm  dễ bị dị ứng. Các virus gây bệnh thường cư trú ở chất nhầy niêm mạc mũi họng, xâm nhập vào tế bào niêm mạc, nhân bản rồi phá huỷ tế bào và lây lan sang tế bào bên cạnh gây ra nhiều biến chứng khác.

Mách bạn:

Để phòng bệnh hô hấp trong những lúc giao mùa bạn nên giữ ấm cho cơ thể, tránh xa khói bụi, nấm mốc, những  nơi không khí ẩm thấp (thường chứa nhiều vi khuẩn). Đối với trẻ nhỏ nên cho uống đủ các loại vaccine phòng  ngừa bệnh hô hấp, cảm cúm. Cho trẻ uống thêm thuốc bổ, vitamin tăng cường sức đề kháng, nấu cho trẻ ăn những  món tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo cơ thể khỏe mạnh như: các món cá, rau trái. Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường như trẻ sốt, ho, sổ mũi nhiều nên đưa ngay đến phòng mạch bác sỹ để kịp thời điều trị.

Khói bụi - Tác nhân gây viêm xoang

Theo BS. Nguyễn Xuân Tùng, Khoa Tai – Mũi - Họng, BV. Mắt Sài Gòn, nguyên nhân gây bệnh viêm xoang và  các bệnh về đường hô hấp chủ yếu là do khói bụi, ô nhiễm môi trường gây ra. Vì thế, dân cư ở các thành phố, thị xã, các khu công nghiệp, nhà máy hoặc những nơi nhiều người sinh sống thường có nguy cơ mắc viêm xoang cao  hơn. Môi trường ô nhiễm khiến vùng xoang mũi dễ bị dị ứng, những người có bệnh lý tiềm ẩn về vách ngăn hoặc có cơ địa dị ứng thì khi tiếp xúc với nước bẩn thường xuyên cũng sẽ gây viêm xoang.

Viêm xoang cấp tính lẫn mạn tính đều có thể nhẹ hoặc trở nặng, tùy theo diễn biến của bệnh. Trong trường hợp nhẹ, chỉ cần uống thuốc kháng viêm, kháng dị ứng, kèm theo dùng thuốc xịt mũi để làm loãng chất nhầy, giúp mũi thông thoáng. Nếu bị nặng người bệnh cần đến khám chuyên khoa để được điều trị triệt để tránh được các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra như; viêm tắc nghẽn mô quanh vùng mặt, viêm tắc tĩnh mạch hang, có thể làm mù mắt.

Mách bạn:

Luôn luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để hạn chế khói bụi trong không khí có thể bay vào mũi gây dị ứng.

Nước hoa, xịt phòng – Sự quyến rũ “chết người”

Một vài người người có thói quen sử dụng nước hoa, nước xịt phòng mỗi ngày như một thói quen, thậm chí là bị mê mẩn bởi những mùi hương quyến rũ. Tuy nhiên theo khuyến cáo của TS. Stanley Fineman, giám đốc Hội Dị  ứng, Hen và Miễn dịch Mỹ (ACAAI) thì bạn không nên tiếp xúc thường xuyên với nước hoa, nước xịt phòng vì chúng tác động tới cuộc sống và sức khỏe của con người.

Tại Mỹ, khoảng 20% dân số mắc các bệnh về đường hô  hấp và 34% người bị hen suyễn đều liên quan tới việc sử dụng các loại nước hoa, nước xịt phòng.

BS. Phạm Thị Ngọc Minh, khoa Khám bệnh, Viện Da Liễu, Hà Nội cũng khẳng định: Nước hoa, nến thơm, dầu thơm, hương trầm... đều có nguy hại khi được xịt ra không khí hoặc được đốt lên. Hương thơm từ những sản phẩm này khi bị đốt nóng sẽ lan tỏa nhanh trong không khí, đem theo các thành phần hóa chất độc hại. Đây là một trong những  tác nhân gây các bệnh về đường hô hấp của con người như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, khó thở… Ngoài ra, nước hoa còn mang lại những tác dụng phụ như đau đầu, ngứa họng, đau mắt, gây choáng ngợp, tổn thương hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến quá trình mang thai.

Theo Theo SKGĐ