5 đối tượng dễ mắc ung thư dạ dày

 Ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư phổ biến nhất, bệnh nhân thường được phát hiện muộn, tiến triển nhanh, tiên lượng nặng với tỷ lệ tử vong cao. Vậy, những trường hợp nào cần phải cảnh giác và nên khám tầm soát sớm căn bệnh nguy hiểm này?
Ảnh minh hoạ: Internet

Người nhiễm vi khuẩn H.P

Vi khuẩn H.P (Helicobacter pylori) sống trong dạ dày, dưới lớp nhầy niêm mạc dạ dày, sát cạnh các tế bào biểu mô, không xâm nhập các mô. H.P sống được trong môi trường axit ở dạ dày vì nó đòi hỏi ôxy ở mức độ rất thấp và sản xuất ra nhiều urease, urease sẽ chuyển ure thành amoniac làm cho môi trường sinh sống của HP trở thành kiềm. Ngoài ra HP còn sản xuất ra catalase, protease, ngoại độc tố, các chất này gây bệnh cho niêm mạc dạ dày, làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm dạ dày hoặc loét dạ dày tá tràng. Ở một số người nếu vi khuẩn ở trong dạ dày thời gian dài nhiều năm có thể gây ung thư dạ dày. Khoảng 65 - 80% số trường hợp ung thư dạ dày có liên quan đến vi khuẩn này.

Vi khuẩn H.P còn tồn tại trong mảng bám thức ăn quanh răng, nước bọt, có thể lây từ người này qua người khác do ăn uống chung. Do vậy việc đảm bảo vệ sinh  như ăn uống thức ăn chín sẽ giúp làm giảm lây nhiễm. Khi có biểu hiện bệnh lý dạ dày như: buồn nôn, nôn, chán ăn, đau bụng,… cần đến cơ sở y tế chuyên khoa tiêu hóa để khám và xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh. Nếu trong gia đình có người đã bị viêm loét dạ dày hoặc ung thư dạ dày cần khám, xét nghiệm và điều trị sớm nếu nhiễm H.P.

Người nghiện thuốc lá


Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên tới 40%, thậm chí tới 82% ở người nghiện thuốc nặng so với người không hút thuốc lá. Một số nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ cao bị ung thư dạ dày xảy ra ở những người nghiện rượu.

Ăn mặn, ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn

Chế độ ăn cũng được cho là yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày như ăn quá mặn, ăn nhiều thực phẩm hun khói, các loại thịt đỏ, thịt đã qua nhiều công đoạn chế biến, rau quả ngâm dấm. Các chất nitrates, nitrites có trong thịt đã chế biến cũng có thể được một số loài  vi khuẩn, trong đó có H.P chuyển đổi thành những phức hợp có thể gây ung thư dạ dày. Ăn phải thực phẩm có nhiễm chất afltoxin từ nấm làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Gia đình có người mắc ung thư dạ dày

Khoảng 10% số ca ung thư dạ dày có tính chất gia đình hay có liên quan đến gen. Cụ thể, nếu trong gia đình, bố mẹ hay anh chị em ruột bị ung thư dạ dày thì nguy cơ của người đó sẽ cao hơn. Do đó, những đối tượng này cần phải chú ý khám định kỳ.

Người béo phì

Béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày do hiện tượng trào ngược dạ dày - thực quản hay xảy ra ở những người quá thừa cân. Trào ngược dạ dày - thực quản gây ra một tình trạng viêm mạn tính và có thể khiến cho ung thư dạ dày xuất hiện. Mặc dù vẫn chưa rõ ràng về mặt cơ chế bệnh sinh nhưng một số thống kê đã cho thấy người béo phì có tỷ lệ ung thư dạ dày cao gấp 2 lần người không bị béo phì.

Theo Theo SKĐS