30 cán bộ lãnh đạo được chọn xác minh tài sản, thu nhập sau bốc thăm là ai?

TPO - Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên, chọn ra 30 cán bộ là người có chức vụ, quyền hạn tại 7 bộ, ngành, tổng công ty nhà nước để thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập (TNTS) năm 2022 theo thẩm quyền.

Trước đó, TTCP đã ban hành kế hoạch xác minh tại Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Cục Phòng chống tham nhũng - TTCP được giao chủ trì, mời đại diện UBKT Trung ương, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng các đơn vị liên quan dự bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh theo quy định của Luật PCTN. Nội dung xác minh tập trung vào hai vấn đề: Tính trung thực, rõ ràng, đầy đủ của bản kê khai và tính trung thực trong bản giải trình về nguồn gốc của TSTN tăng thêm.

Theo đó, ngày 5/10, đã tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên, chọn ra 30 cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại 7 cơ quan, đơn vị nêu trên.

Ông Hoàng Thái Dương, Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ (áo trắng) bốc thăm. Ảnh: CTV.

Kết quả bốc thăm tại Bộ KH&ĐT, TTCP đã bốc thăm ngẫu nhiên 8 người trong số 142 cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền kiểm soát TSTN của TTCP. 8 cán bộ này phần lớn là cục trưởng các Cục Thống kê ở địa phương.

Tại Bộ TN&MT, có 5 người chủ yếu là vụ trưởng, cục trưởng thuộc các tổng cục được bốc thăm từ danh sách 131 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tương đương.

Tại Bộ Xây dựng, trong số 53 cán bộ lãnh đạo, quản lý, bốc thăm ra 5 người cấp cục trưởng, vụ trưởng thuộc Bộ.

Ở Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thuộc thẩm quyền kiểm soát của TTCP có 8 cán bộ lãnh đạo, quản lý thì bốc thăm được 3 người cấp vụ và tương đương

Tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có 7 cán bộ lãnh đạo thì bốc ra 3 người, trong đó có 2 lãnh đạo cao nhất là Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc.

Với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, kết quả bốc thăm ngẫu nhiên từ 9 người thuộc diện TTCP kiểm soát TSTN thì chọn 3 phiếu, rơi vào Chủ tịch Hội đồng thành viên và hai Phó Tổng giám đốc.

Tương tự, 3 người được chọn trong số 11 cán bộ lãnh đạo quản lý ở Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam thì 2 người là Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc.

Được biết, việc xác minh dự kiến triển khai trong tháng 11 và tháng 12/2022.

Vì sao không có thứ, bộ trưởng trong danh sách bốc thăm

Với 7 bộ, cơ quan, đơn vị ở Trung ương được đưa vào diện xác minh năm 2022 này, TTCP đang phải kiểm soát về mặt TSTN với tổng số 361 người và trong lần đầu tiên xác minh TSTN này, tính chung tỷ lệ bao quát ở mức 8,3%.

Trong đó, 37,5% cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Ủy ban Quản lý vốn nhà nước; Tập đoàn Hóa chất 42,8%; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước 33,3%; Tập đoàn Bưu chính viễn thông 27,2%.

Với ba bộ quản lý nhà nước chuyên ngành, cụ thể là Bộ KH&ĐT là 5,6% cán bộ lãnh đạo quản lý sẽ được xác minh TSTN năm nay; Bộ TN&MT 3,8%; Bộ Xây dựng 9,4%.

Giải thích cho việc vì sao tại 3 bộ, tỉ lệ lựa chọn bốc thăm để xác minh TSTN theo thẩm quyền chưa đạt tỉ lệ tối thiểu 10% tổng số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm và không có không có người đứng đầu nào trong lần bốc thăm, một lãnh đạo TTCP cho hay: Đây là lần đầu tiên cả nước tổ chức thi hành quy định về xác minh TSTN theo Luật PCTN 2018. Trong khi số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý cần kiểm soát TSTN ở các bộ là rất lớn trong khi nhân lực để thực hiện xác minh cũng chưa đủ đáp ứng, cùng với đó thời gian từ nay đến cuối năm không còn bao nhiêu nên TTCP đã báo cáo, tham mưu và được cấp có thẩm quyền chấp thuận bước đầu như vậy.

"Triển khai Luật PCTN, tháng 2/2022, Bộ Chính trị mới ban hành Quyết định 56-QĐ/TW về Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN. Theo văn bản này, cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương ở các bộ, cơ quan ngang bộ là do Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm soát TSTN, chứ không thuộc thẩm quyền của TTCP" - vị lãnh đạo giải thích.

Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Nghị định 130/2020 của Chính phủ và Quyết định 56-QĐ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị quy định công tác xác minh TSTN được phân luồng cho khoảng 890 cơ quan kiểm soát TSTN trên cả nước theo nguyên tắc phân cấp cán bộ.

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm soát TSTN của những người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Diện này gồm cán bộ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên ở các cơ quan trung ương; chủ tịch cùng phó bí thư tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội trở lên ở địa phương; phó tư lệnh quân khu, quân chủng trở lên trong quân đội; cục trưởng và tương đương trở lên trong công an…

Còn Thanh tra Chính phủ được phân cấp kiểm soát TSTN của những người có phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại các cơ quan Chính phủ; người đứng đầu và cấp phó các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng thành lập hoặc phê duyệt điều lệ; người đứng đầu và cấp phó cũng như thành viên các cơ cấu lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước; và người công tác tại chính cơ quan TTCP. Tất nhiên là trừ những người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.