Đây là lần đầu tiên, diễn đàn được tổ chức tại Việt Nam, do Đại học Ngoại Thương đăng cai, phối hợp thực hiện cùng các đối tác Đông Nam Á và châu Âu: QAN, AUN, DAAD, ENQA, HRK, SEAMEO RIHED, Đại học Postdam- CHLB Đức.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương nhấn mạnh, đảm bảo chất lượng là nhiệm vụ sống còn, cần được mỗi giảng viên, sinh viên hiểu, quan tâm và thể hiện trách nhiệm trong thực tiễn.
Hướng tới mục tiêu chiến lược tầm nhìn 2030, PGS.TS Bùi Anh Tuấn mong muốn, việc đảm bảo chất lượng tại các cơ sở đào tạo đại học, trong đó có ĐH Ngoại Thương, phải tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động nghiên cứu, đào tạodục bậc cao và các vấn đề liên quan.
Trong khuôn khổ diễn đàn, ĐH Ngoại Thương kỳ vọng mở rộng mạng lưới trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các khu vực và trên toàn thế giới trên lĩnh vực đảm bảo chất lượng nói chung, xây dựng duy trì chất lượng giáo dục đại học nói riêng.
Trước sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho rằng, giáo dục đại học phải thực sự đột phá để bắt kịp tiến độ phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia.
Vì vậy, giáo dục đại học cần tiếp tục phát triển quy mô, cải thiện chất lượng, duy trì kết nối bền vững với doanh nghiệp, đáp ứng kỳ vọng của các nhà tuyển dụng.
Cụ thể, Luật Giáo dục sửa đổi 2018 nêu rõ trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện khách quan và thực tiễn của mỗi cơ sở. Đây là nền tảng cho việc xây dựng và đảm bảo chất lượng của các trường đại học.
Với vai trò đại diện hội đồng đảm bảo chất lượng chung khu vực ASEAN (AUN – QA), PGS.TS Ngô Văn Thuyên, Chủ tịch hội đồng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhận định, chất lượng và đảm bảo chất lượng giúp các cơ sở giáo dục đại học hình thành động lực, sức mạnh để thành công ở bất kỳ môi trường nào.
Đây vẫn là thách thức, tuy nhiên có thể giải quyết nhờ trao đổi, hợp tác, cùng nhau xây dựng niềm tin, sự thấu hiểu. Đó là lý do AUN-QA kết nối các trường đại học thành thành một mạng lưới, để nâng cao chất lượng giáo dục.
Tại diễn đàn lần này, thông qua các phiên thảo luận, PGS. TS Nguyễn Văn Thuyên hy vọng học viên và chuyên gia của QA có thể tìm ra phương pháp thiết kế chương trình giảng dạy tương thích với nhu cầu xã hội, mang lại hiệu quả học tập tích cực; ứng dụng công nghệ và đổi mới kỹ thuật cho các vấn đề lâu dài trong giáo dục đại học, xác định lại nền tảng của giáo dục.
Diễn đàn sẽ tiếp tục diễn ra trong hai ngày 7-8/11, với các phiên thảo luận, diễn thuyết của chuyên gia trong và ngoài nước về các nội dung liên quan như thu hút sinh viên tham gia vào đảm bảo chất lượng giáo dục đại học ASEAN-QA; số hoá giáo dục đại học và hậu quả của nó với đảm bảo chất lượng.