Chiều 25/7, tất cả 24 công nhân cùng 2 trẻ em của Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp MTV Đại Thắng (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) mắc kẹt tại ngọn đồi thuộc Nông trường 12 (tỉnh Attapeu) đã được trực thăng đưa ra ngoài an toàn. Tất cả đều khỏe mạnh, tinh thần đã dần ổn định sau nhiều giờ bị dòng nước lũ bao vây.
Vừa được cứu khỏi "ốc đảo" sau sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy, anh Nguyễn Văn Hải (Phó giám đốc Nông trường 12) nói "vẫn chưa hết bàng hoàng" trước sự hung bạo của thiên nhiên.
Sau buổi làm việc chiều 23/7, công nhân và lãnh đạo nông trường trở về lán trại nằm trên đỉnh đồi. Thời điểm đó trời mưa nhưng không có dấu hiệu bất thường. Khu vực này có 5 cụm nhà dành cho công nhân và cán bộ lãnh đạo nông trường.
Đang ngồi trong lán trại, mọi người nghe tiếng động ầm ầm. Bên ngoài là dòng lũ ào ào cuốn phăng cây cối, đất đá... về phía hạ nguồn. Những ngọn cây trồi lên ngụp xuống rồi mất hút. Tất cả chỉ là một màu bàng bạc của nước lũ.
"Thấy nước đổ về hung hãn vậy là biết vỡ đập rồi. Anh em lúc này hoảng lắm. Mấy cô công nhân gào khóc, các thanh niên hằng ngày cứng cỏi vậy mà cũng không cầm được nước mắt. Sự hoảng loạn bao trùm mọi ánh mắt. Lãnh đạo nông trường trấn an, yêu cầu công ty cứu hộ ngay trong đêm", anh Hải kể.
Nông trường thành lập được 2 năm. Do đặc thù công việc, các công nhân thường làm việc và trở về đỉnh đồi cùng nhau nên khi nước tràn về không ai bị mắc kẹt phía dưới. "Những ngày trước mưa to, chúng tôi nghĩ sẽ có lũ nhưng không ngờ lại vỡ đập vì công trình này mới xây, nhìn chắc chắn lắm", một nam công nhân cho biết.
Nhóm công nhân sau đó phân công người theo dõi mực nước dâng lên, cắm cột đánh dấu để biết mức độ tăng giảm, cứ 5 phút cập nhật về công ty. Trời càng khuya, nước càng lên nhanh và uy hiếp đỉnh đồi. Có lúc chỉ còn khoảng 100 m là đến sân nhà.
Theo anh Hải, vị trí đập bị vỡ chỉ cách khu vực công nhân mắc kẹt chừng 600 m. Trước đó chính quyền địa phương có thông báo nhưng người biết, người không vì địa bàn quá rộng. May mắn ngọn đồi khá cao, vững chắc nên không bị dòng nước nhấn chìm.
Trong gần 2 ngày bị mắc kẹt, thực phẩm không phải là điều lo lắng của anh em công nhân vì vẫn còn lượng dữ trữ cho khoảng một tuần. "Tuy nhiên tinh thần mọi người đều xuống. Công ty động viên anh em sẽ có trực thăng vào đưa tất cả ra ngoài nên về sau nỗi lo bớt hẳn", anh Hải chia sẻ.
Hiện, các công nhân được chăm sóc y tế. Ngày mai họ sẽ được đưa về quê nhà ở Việt Nam.
Trong cuộc họp báo chiều nay, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết có 131 người mất tích đều là công dân Lào. Các thông tin trước đó cho rằng hàng trăm đã mất tích vì sự cố này.
Một trong 5 đập phụ tại dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào tối 23/7 bị vỡ, khiến lượng nước lớn trút xuống gây lũ lụt nghiêm trọng. Giới chức Lào hôm nay tìm thấy 26 người thiệt mạng.
Quan chức lãnh sự Thái Lan tại Lào Chana Miencharoen cho biết 17 người bị thương đang được điều trị trong bệnh viện. Đội cứu hộ chung của Lào và Trung Quốc chiều nay đến Attapeu để hỗ trợ hơn 3.000 người đang mắc kẹt.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, sự cố vỡ đập Xe Pian-Xe Namnoy sẽ khiến dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long tăng. Dự báo mực nước tại Tân Châu (An Giang) sẽ lên 7-10 cm so với điều kiện tự nhiên vào cuối tuần (khoảng ngày 27 đến 28/7 ).
Mực nước này không ảnh hưởng lớn đến diễn biến lũ trên đồng bằng. Nước lũ ở khu vực này sẽ gia tăng tự nhiên đến giữa tháng 8 và đạt đỉnh khoảng 3,2 m tại Tân Châu.