20 năm đi tìm đồng đội

TP - Giữ trọn lời thề với những đồng đội đã hy sinh, ông Nguyễn Ngọc Sương (SN 1951) suốt 20 năm qua miệt mài với hành trình tìm hài cốt đồng đội nằm lại chiến trường khắp mọi miền tổ quốc, để quy tập về nghĩa trang liệt sĩ, hoặc đưa họ về với người thân.
Ông Nguyễn Ngọc Sương chỉ tọa độ nơi đồng đội đã hy sinh.

Chiều se lạnh, chúng tôi đến phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Trong nhà, người đàn ông mái tóc bạc phơ đang tỉ mẩn ghi chép từng dòng chữ vào cuốn sổ màu nâu đã cũ. Bàn tay đen sạm nâng niu từng trang giấy đã ngả sang màu vàng, ông tâm sự: “Trong thời chiến nhiệm vụ của tôi là ghi chép chi tiết tên tuổi, quê quán, cấp bậc thời gian nhập ngũ, tọa độ mai táng…của các binh sĩ hy sinh. Công việc này giúp tôi nắm rõ thông tin về những đồng đội đã thành liệt sĩ. Trong cuốn sổ này, mỗi con chữ như máu thịt, tôi đã tập hợp lại rồi gửi thư báo cho gia đình của họ”.

Rất nhiều người thân của các liệt sĩ đã liên hệ với ông, họ mong muốn cùng ông đi tìm. Nhiều người đã may mắn tìm thấy hài cốt của người thân.

Ông nhớ như in trường hợp tìm kiếm hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Lan ở xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) dù tọa độ đã xác định chính xác nhưng hiện trạng thay đổi quá nhiều, những cánh rừng ngày xưa bây giờ đã trở thành rẫy cà phê, tiêu. Dù vậy ông và đồng đội vẫn kiên trì lần theo từng dấu vết trong hơn một tuần, đến ngày 1/1/2011, hài cốt của liệt sĩ Lan mới được tìm thấy trong niềm vui mừng, xúc động của gia đình và mọi người.

Quê ở Hải Quang, huyện Hải Hậu, Nam Định, năm 19 tuổi Nguyễn Ngọc Sương tham gia quân ngũ, là lính Trung đoàn đặc công 400. Sau đó đơn vị này sáp nhập với một số đơn vị khác thành Trung đoàn 25 Bộ binh thuộc Bộ Tư lệnh B3 (Quân khu V) đóng quân tại vùng hậu cứ H5. Năm 1973, ông được phân công làm trợ lý chính sách, cán bộ của Trung đoàn 25 với nhiệm vụ chính là tổng hợp các tin báo từ chiến trường về số lượng binh sĩ bị tử trận, bị thương.

Tìm được 354 hài cốt liệt sĩ

Giải phóng một thời gian, Trung đoàn 25 giải thể. Ông Sương rời đơn vị và đảm nhận một số công việc ở địa phương. Năm 1997, được nghỉ hưu theo chế độ, ông có nhiều thời gian để thực hiện tâm nguyện của mình. Ông dành dụm những đồng lương hưu ít ỏi bắt đầu hành trình đi tìm đồng đội. Hành trang chỉ có ba lô với cuốn sổ, cây bút, ông đi đến các tỉnh Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, một số huyện của tỉnh Đắk Lắk gặp gỡ các cơ quan chức năng địa phương để xin thông tin quy tập liệt sĩ. Ông tỉ mẩn ghi chép lại tên tuổi, nghĩa trang an táng những liệt sĩ của đơn vị đã được quy tập. Từ những thông tin này, ông hệ thống lại có 483 liệt sĩ của đơn vị với đầy đủ những thông tin cần thiết.

Những lần nghe thông tin phát hiện hài cốt liệt sĩ ở những khu vực đơn vị từng chiến đấu, ông lại khăn gói lên đường, đã bao lần thất bại nhưng ông không nản chí, ông luôn nghĩ: “Mình trở về sau chiến tranh là một may mắn trong khi nhiều đồng đội phải nằm lại ở những vùng núi rừng xa xôi, nên phải cố gắng tìm kiếm đón đồng đội về...”.

Đến nay, ông Sương và đồng đội phối hợp với cơ quan, ban ngành địa phương đã tìm được 354 hài cốt liệt sĩ của đơn vị mình, còn 129 liệt sĩ chưa được tìm thấy. Suốt 20 năm qua, người đàn ông mảnh khảnh này vẫn ngày đêm  băng rừng, vượt suối để tìm đồng đội. Công việc âm thầm đó, với ông vừa là trách nhiệm vừa là lời tri ân cho những hy sinh, mất mát của các đồng chí, đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường.

Ông Nguyễn Hữu Khải, Chủ tịch hội cựu chiến binh phường Tân Thành, nói: Ông Nguyễn Ngọc Sương tự bỏ tiền của, công sức cá nhân ra để đi tìm đồng đội đã hy sinh dù không có một chế độ chính sách gì. Tôi thấy đây là một việc làm rất nhân văn, đáng được khen thưởng, tuyên dương. Đề nghị Đảng, Nhà nước nên ghi nhận và hỗ trợ đối với người làm công việc thầm lặng, ý nghĩa như thế này.