Vỗ ngực là một phương tiện giao tiếp
Tuy nhiên, mới đây một nghiên cứu mới đã tiết lộ rằng hành vi vỗ ngực của khỉ đột không hoàn toàn như những gì chúng ta vẫn biết.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports đã kết luận rằng, hành vi vỗ ngực của khỉ đột thực tế là một phương tiện giao tiếp không lời "mã hóa" khả năng cạnh tranh của chúng thay vì khoa trương sức mạnh.
Bản thân việc vỗ ngực của khỉ đột thể hiện kiểu giao tiếp thú vị không giống như con người. Nó không thực sự là giọng nói mà là một hành động thiên hướng khoe sức mạnh thể chất có thể nhìn thấy và cũng có thể nghe thấy.
Để đưa ra kết luận, các nhà nghiên cứu đã tìm cách ghi lại âm thanh của tiếng đập ngực bằng phép quang trắc. Bằng phương pháp này, các nhà khoa học không cần phải đến gần khỉ đột vì những con khỉ đực cực kỳ mạnh mẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm ở Công viên Quốc gia Volcanoes, Rwanda.
Tuy nhiên, ngay cả khi sử dụng phép quang trắc, các nhà khoa học vẫn cần phải ở đúng nơi và đúng thời điểm để bắt nhịp đập ngực từ những con khỉ đột.
Kết quả cho thấy âm thanh có tần số thấp hơn ở khỉ đột núi đực lớn, trong khi những con đực nhỏ có âm thanh tần số cao hơn. Trong đó âm thanh tần số thấp truyền đi xa hơn âm thanh tần số cao, có nghĩa là những con đực lớn hơn có thể là đối thủ cạnh tranh đáng gờm hơn. Điều này rất hữu ích cho những con đực có kích thước tương tự hoặc nhỏ hơn có thể sử dụng thông tin để quyết định xem liệu nó có xứng đáng để đối đầu với đối thủ cạnh tranh hay lùi bước.
Trong nghiên cứu trước đó từng được thực hiện bởi cùng một nhóm nghiên cứu cho thấy những con khỉ đột núi đực lớn hơn không chỉ chiếm ưu thế về mặt xã hội, chúng còn có khả năng sinh sản thành công tốt hơn so với những con đực nhỏ hơn.
Với những con khỉ cái, chúng cũng sẽ thu thập thông tin từ âm thanh đập ngực của khỉ đực để quyết định chọn bạn đời xứng đáng.
"Tiếng đập ngực của khỉ đột là một trong những âm thanh mang tính biểu tượng của vương quốc động vật, vì vậy thật tuyệt khi chúng tôi có thể chứng minh rằng kích thước cơ thể của khỉ đột đã được mã hóa trong những màn trình diễn ngoạn mục này", Edward Wright, tác giả của nghiên cứu từ Viện Nhân chủng học Tiến hóa Planck, cho biết.
Là loài cực kỳ nguy cấp trong Danh sách đỏ
Khỉ đột (danh pháp khoa học: Gorilla) là một chi linh trưởng thuộc họ người, động vật ăn cỏ sống trong rừng rậm châu Phi, là giống lớn nhất trong bộ linh trưởng còn tồn tại.
Khỉ đột được chia thành hai loài (có thể có 4 đến 5 phân loài nữa). DNA của khỉ đột giống của con người 98% -99%. Chúng có họ hàng rất gần gũi với con người chỉ sau 2 loài tinh tinh. Loài linh trưởng này có thân hình đồ sộ. Khỉ đột cao từ 1,7–2 m khi đứng thẳng và nặng từ 180–200 kg.
Loài vật này thường đi bằng bốn chân dù chúng có thể đứng bằng hai chân. Gorilla sống ở những khu rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Phi.
Khỉ đột di chuyển bằng đốt ngón tay, mặc dù đôi khi chúng có thể đứng thẳng khi mang theo thức ăn hay trong tình trạng phòng ngự.
Khỉ đột trưởng thành hoang dã nặng 135 đến 180 kg (298 đến 397 lb) trong khi con cái thường chỉ nặng bằng nửa con đực 68–113 kg (150–249 lb). Con đực trưởng thành cao 1,7 đến 1,8 m (5,6 đến 5,9 ft), với sải tay 2,3 đến 2,6 m (7,5 đến 8,5 ft). Con cái có sải tay ngắn hơn.
Khỉ đột đực trưởng thành được biết đến như "lưng bạc" do vùng lông màu bạc trên lưng của nó. Đôi khi, một con lưng bạc lớn hơn 1,8 mét và 230 kg được ghi nhận trong hoang dã. Những con khỉ đột béo phì trong tình trạng nuôi nhốt 270 kg.
Khỉ đột sống theo đàn dưới sự chỉ huy của một con đực to khỏe nhất. Nhiệm vụ của con đực là lãnh đạo và bảo vệ cả đàn khỏi bị thú dữ tấn công. Kẻ thù nguy hiểm nhất của khỉ đột là loài báo hoa mai rất hung dữ. Khi bị đe dọa, con đực sẽ đứng thẳng người và dùng 2 tay đấm thình thịch vào bụng để cảnh báo trước khi chiến đấu.
Khỉ đột được biết đến như một dã thú đầy sức mạnh với ngoại hình to lớn, khỏe hơn nhiều so với người, đôi tay mạnh mẽ, và thông minh và một cú đấm của khỉ đột có thể khiến mọi vật đối diện phải biến dạng. Dù có thân hình to lớn đồ sộ, Gorilla có tốc độ chạy ở mức trung bình, khoảng 40 km/h.
Tất cả các loài (và các loài phụ) của khỉ đột được liệt kê là cực kỳ nguy cấp trong Danh sách đỏ của IUCN.
Bây giờ, hơn 100.000 con khỉ đột vùng thấp phía tây được cho là tồn tại trong tự nhiên, với 4.000 trong các sở thú; khỉ đột vùng thấp phía đông có dân số dưới 5.000 trong tự nhiên và 24 ở các sở thú.
Khỉ đột núi là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất, với dân số ước tính khoảng 880 con còn lại trong tự nhiên và không có loài nào trong vườn thú.