Trên trang Weibo cá nhân của mình, Từ Hiểu Đông tự giới thiệu: sinh 15/11/1979, đã tốt nghiệp Trường thể thao Thích Sát Hải Bắc Kinh; nghiên cứu các môn Tán thủ, nhu thuật Brazil, Boxing, MMA; là “Người truyền bá MMA (Mixed Martial Arts – Võ hỗn hợp tự do)”, Huấn luyện viên MMA, Trưởng “Tất Đồ quyền quán”, ‘Giáo luyện chính của Liên minh MMA Thích Sát Hải”, Giáo luyện chính của Nguyên Võ đạo quán”…
Sau khi hạ knock-out cao thủ Thái Cực Quyền Ngụy Lôi hôm 27/4, số lượng người hâm mộ Từ Hiểu Đông đã tăng thêm chóng mặt. Đến ngày 4/5, số người follow võ sĩ MMA này đã tới trên 350 ngàn; muốn trở thành bạn Wechat với Từ Hiểu Đông còn khó hơn. “Ba tài khoản Wechat trên điện thoại của tôi đều đã hết chỗ. Tôi phải lược bớt mới có chỗ cho người mới. Hiện nay mỗi ngày có tới 50-60 ngàn tin nhắn Wechat cần trả lời, trên Weibo còn nhiều hơn, tới cả trăm ngàn tin nhắn riêng. Điện thoại của tôi mỗi ngày có tới hơn 2000 cuộc gọi đến”, Từ Hiểu Đông cho biết
Tốc độ nổi tiếng của Từ Hiểu Đông nhanh khủng khiếp. Ngày 3/5, võ sĩ này có 3 cuộc Livestream, mỗi lần đều có hàng triệu người xem. Kỷ lục cao nhất cả xem trực tiếp lẫn xem lại là 5 triệu lượt, trong đó có 1 triệu xem trực tiếp. Đoạn video trận thách đấu Ngụy Lôi hôm 27/4, tối hôm đó Từ Hiểu Đông đưa lên Weibo, chỉ sau chưa đầy nửa giờ đã có hơn 2 triệu lượt xem; các đoạn video khác nhau được quay tại hiện trường sau đó cũng lan truyền rất nhanh trên các trang mạng.
Hôm 4/5, khi tiếp xúc với phóng viên BBC, Từ Hiểu Đông nói: “Tôi hiện là tiêu điểm của cả thế giới; thậm chí có người thù oán, miệt thị tôi; có người nói tôi thách thức cả nền văn hóa truyền thống Trung Quốc, chụp mũ tôi, tôi đang đứng trước đầu sóng ngọn gió”.
MMA thách đấu Thái Cực
Ngày 27/4, “Thái Cực tôn sư” Ngụy Lôi và “Người điên MMA” Từ Hiểu Đông thách đấu nhau tại “Diệc Thiền đạo quán” Thành Đô. Chỉ sau 10 giây, Từ Hiểu Đông hạ KO Ngụy Lôi, sau 20 giây Ngụy Lôi nhận thua, kết thúc cuộc thách đố giữa MMA và Thái Cực kéo dài suốt từ tháng 12/2016. Video quay tại chỗ cho thấy, sau khi trọng tài tuyên bố bắt đầu trận đấu, Từ Hiểu Đông ra đòn tấn công liên tục, Ngụy Lôi bị ép chỉ có lùi, sau mấy giây đã bị ngã, bị Từ Hiểu Đông dùng hai tay đấm túi bụi. Cảnh Ngụy Lôi bị đánh máu me đầy mặt phát trên mạng đã gây sốc, có tới cả chục triệu lượt xem lại. Tờ “Tân khoái báo” (Tin nhanh) đưa tin, Ngụy Lôi, biệt danh Lôi Lôi là người sáng lập phái Lôi Công Thái cực, sư phụ là truyền nhân đời thứ tư của Dương Thị Thái cực.
Sau trận đấu, Ngụy Lôi khi trả lời phỏng vấn “Tân khoái báo” cho biết ông khóa trang Weibo cá nhân vì “không muốn thấy những người thích ồn ào bàn luận quá nhiều”. Ông cho biết ý tưởng thách đấu với Từ Hiểu Đông là “muốn có diễn đàn để đối thoại bình đẳng thì cần có người đứng ra để nhắc nhở Từ Hiểu Đông, biến can qua thành nệm êm, để ông ta gác bỏ thành kiến, cùng hoằng dương võ thuật truyền thống, nhưng chuyện xảy ra không như ý muốn”.
Còn Từ Hiểu Đông thì nói: “Từ khi bắt đầu đến khi kết thúc trận đấu là 20s, còn từ khi tôi bắt đầu đánh đến khi kết thúc chỉ có 7s. 90% Thái cực là như thế, không chịu nổi một đòn, chỉ 10% là thật, tỷ lệ là 9:1”.
Nhiều người, trong đó có tỷ phú Mã Vân sau trận đấu này đã đề cập đến vấn đề quy tắc thách đấu. Từ Hiểu Đông trả lời: “Quy tắc rất không đối đẳng, thực ra tôi chịu thiệt nhiều”. Từ nói thêm: “Võ thuật truyền thống phải đi giày, có thể nắm, cào, đá hạ bộ, móc mắt. Quy tắc của MMA không cho phép đá hạ bộ, không được cào, móc mắt. Võ thuật truyền thống yêu cầu tôi phải làm theo họ, phải đi giày, không được lên lôi đài, không được mang bảo hộ. Cuộc đấu tiến hành trong điều kiện không công bằng, rõ ràng tôi bị thiệt”.
Những tranh cãi
Bất chấp những dị nghị về quy tắc thi đấu, rất nhiều dân mạng chỉ quan tâm tới kết quả. Có người khi bàn về trận đấu giữa võ sĩ MMA và cao thủ Thái Cực Quyền, đã nói: “Đừng nói anh võ công thâm hậu, sư phụ lợi hại, môn phái lâu đời… Sai bét! Ngã rồi thì đừng có nói, người đứng (thắng) mới có tư cách nói. Chả phải đúng như thế sao?”. Có người còn cho rằng: “Thái cực căn bản không phải võ thuật; cần phải thừa nhận đó là loại thể dục dưỡng sinh kiện thân giống như Yoga mà thôi!”.
Trận tỷ thí hôm 27/4 thậm chí đã làm dấy lên cuộc thảo luận về văn hóa truyền thống Trung Quốc. Tờ “Nhân dân nhật báo” bản hải ngoại và rất nhiều người nổi tiếng cũng bị cuốn vào. Tỷ phú Mã Vân, người tự xưng đã học cùng nhiều Đại sư Thái cực viết bài nói: “Đó là màn biểu diễn hỗn hợp giữa kịch hát và kịch xem. Quy tắc đánh của MMA và của Thái cực khác nhau, không thể nói với nhau được, Điều này khác nào so sánh tỷ lệ ghi bàn bóng rổ với ghi bàn bóng đá rồi nói bóng đá không bằng bóng rổ, so vịt với gà. Nếu là thi đấu thì phải thống nhất quy tắc trước. Ngày nay đến chọi dế người ta cũng phải cân thể trọng trước kia mà”.
Nhà văn Trương Di Hòa bình luận: “Dù trên mạng hay ngoài xã hội, bất kể là thua hay thắng thì võ thuật truyền thống Trung Quốc chả được lợi gì, chỉ có Từ Hiểu Đông là nổi tiếng”.
NDNB hải ngoại viết bình luận, điểm mặt chỉ tên “Thái cực đại sư” Diêm Phương ở Hà Bắc, nói “Wushu đang là môn nghệ thuật ngôn ngữ”, kêu gọi cần đề phòng những thứ kế thừa văn hóa truyền thống méo mó trở thành hiện thân của chủ nghĩa dân tộc cực đoan”. Tác giả lấy tên là “Nhiếp Thánh Triết” nói thẳng: “Những quyền sư như Ngụy Lôi, nếu lại tổ chức ra Nghĩa Hòa quyền rồi nói “đao thương không đâm thủng được” chắc cũng có khối người tin…Đó chính là sự chà đạp văn hóa truyền thống Trung Quốc, không có bản lĩnh thật, chỉ nhờ trang phục, râu ria và mấy chiêu múa may ra oai mà thôi. Thử hỏi trong số vệ sĩ của các lãnh đạo có ai là đại sư Thái cực không?”.
Thách thức võ thuật truyền thống?
Về việc mình bị gọi là “MMA cuồng nhân”, Từ Hiểu Đông nói: “Tôi nhận! Vì hơn 60 năm từ khi thành lập nước, Trung Quốc không có ai dám thách thức sự giả dối, lừa đảo trong làng võ. Tôi thách thức Thái cực Quyền vì đó là tiêu chí của võ thuật Trung Quốc. Mọi người trên mạng gọi tôi là MMA cuồng nhân. Tôi không cuồng sao có nhiều người hâm mộ đến vậy?”. Từ Hiểu Đông cho báo chí biết ông đã thách đấu Trâu Thị Minh-nhà vô địch Olimpic Wushu, “nhưng rất tiếc, ông ta nói nghiệp dư không đấu với nhà nghề”.
Tuy nhiên, Từ Hiểu Đông khẳng định: “Tôi không phải là người chống lại truyền thống. Nhiều năm qua hiện tượng giả tạo trong võ thuật truyền thống ngày càng diễn ra ghê ghớm. Tôi chỉ là người bình thường “đả giả” (trừng trị giả dối) nhắm đến các “đại sư” giả trong làng võ. Tôi thách thức sự lừa gạt; thách thức những kẻ lừa đảo võ thuật truyền thống Trung Quốc trong suốt 100 năm qua. 100 năm qua không có ai thách thức, tôi cần phải đứng ra. Tôi chỉ đánh sự giả dối, lừa đảo trong làng võ truyền thống”.
Từ Hiểu Đông cũng thừa nhận, ông làm như thế nhất định làm tổn thương lòng tự tôn dân tộc của một số người Trung Quốc. “Tôi biết ở đây có một số thứ giả dối. Tôi không phủ nhận hoàn toàn Thái Cực Quyền. Tôi chỉ cảm thấy một số người trong Thái Cực Quyền là kẻ giả dối. Tôi muốn lôi những người này ra rồi trừng trị”.
Từ Hiểu Đông cũng phủ nhận ông cố ý đứng ở phía đối lập với võ thuật truyền thống Trung Quốc. “Tôi vốn xuất thân từ học võ thuật truyền thống, sao lại đả kích nó? Tôi chỉ đả kích những kẻ giả dối trong võ thuật truyền thống. Nếu ăn thịt, cũng phải ăn thứ thịt sạch như thịt lợn, thịt bò, không thể ăn thịt chuột”.
Từ Hiểu Đông nói: “Tôi đã đụng tới nồi cơm của một số người, những kẻ bị tôi đụng chạm đến lợi ích đang tìm cách vu khống tôi. Hiện nay Weibo của tôi đã bị hacker xâm nhập, thay đổi một số nội dung, đưa vào những thứ phản động, hận thù xã hội để hại tôi”.
Tối 3/5, Từ Hiểu Đông đã phải tiến hành một cuộc Livestram về việc này, phẫn nộ nói về một số nội dung giả mạo trên trang weibo của ông: “Trong quá trình đánh giả, một số người và môn phái cảm thấy tôi huy hiếp họ. Nay họ đang trả thù, đe dọa tôi, biến tôi trở thành kẻ thách thức cả võ lâm Trung Quốc, thách thức toàn bộ nền văn hóa truyền thống Trung Quốc, chụp cho tôi nhiều chiếc mũ, nên tôi đang phải đương đầu với sóng gió”.
Bên cạnh việc bác bỏ tin đồn, Từ Hiểu Đông cũng bắt đầu chú ý đến những bình luận của mình trên mạng xã hội. Tối 3/5 ông đã xóa bỏ một số nội dung đăng tải trên weibo trước đây. Khi Livestream ông rưng rưng nước mắt bác bỏ những chỉ trích nói ông bán nước, muốn ra nước ngoài làm gián điệp. Ông vốn định ngày 6/5 sang Đài Loan thăm nhưng do thủ tục gặp trở ngại nên không thể đi được. Từ Hiểu Đông bức xúc: “Lẽ nào tôi xin sang Đài Loan là liền trở thành gián điệp sao?”.
Từ Hiểu Đông cho biết, ông đã nhận được gần 1.000 “chiến thư” thách đấu và cũng đương đầu với những lời chỉ trích mạnh mẽ. Tờ Nhân dân Nhật báo ngày 3/5 đăng bài gọi trận tỉ thí hôm 27/4 là “màn kịch do 2 người hợp diễn vì muốn nổi tiếng, vì lợi ích thương mại; dù ai thách đấu hay nhận lời thách cũng đều trúng gian kế”. Sau đó Tân hoa xã phát đi tuyên bố của Hiệp hội võ thuật Trung Quốc nói: hành vi thách đấu của Từ Hiểu Đông và Ngụy Lôi là vi phạm pháp luật. Ông Chu Kim Bưu, Trưởng phòng quản lý thi đấu của Trung tâm quản lý phong trào Wushu, Tổng cục TDTT quốc gia nói với báo chí trận thách đấu này không đăng ký với Hiệp hội Wushu Trung Quốc.
Vì sao Từ Hiểu Đông thách thức Ngụy Lôi
Ngụy Lôi – người bị Từ Hiểu Đông hạ gục trong vòng 10s từng được Đài truyền hình Trung ương CCTV đề cao, làm hẳn một chương trình chuyên đề, nhưng bị báo chí cho là tiết mục giả tạo. Đó là chương trình “Thể nghiệm Kungfu thật” phát trên kênh CCTV-4, có cảnh Ngụy Lôi phát công vào quả dưa hấu, bề ngoài dưa vẫn nguyên vẹn, nhưng bổ ra thì bên trong đã bị biến chất, có chỗ trở nên đen sì. Ngụy Lôi còn biểu diễn tiết mục “Chim không bay”, dùng nội công khiến con bồ câu trong bàn tay ông ta không bay lên được. CCTV bình luận “Chim không bay là sự vận dụng cao của nội gia quyền Trung Quốc triệt tiêu khả năng bật lên của chân chim khiến nó không thể cất cánh”. Từ Hiểu Đông nói sau đó ông đã liên hệ với người làm chương trình này thì được người này thú nhận: dưa đã được làm hỏng từ trước, còn chim thì bị dùng băng keo trong suốt dính chân. Đó là chương trình của đơn vị liên kết đưa vào chứ không phải do CCTV sản xuất…
Đó là nguyên nhân trực tiếp khiến Từ Hiểu Đông thách thức Ngụy Lôi để bóc trần “tài năng” giả cùng những trò lừa đảo của ông ta, hạ bệ môn phái Lôi công Thái cực mà ông ta là Chưởng môn.